Theo doanh nghiệp cung cấp cước trực tuyến Freightos, trong những ngày qua các liên minh hãng tàu đã thông báo hủy thêm một số chuyến dịch vụ vận chuyển, với hơn một phần ba số chuyến theo lịch trình từ châu Á đi các châu lục khác, tính đến đầu tháng 6, đã được hủy. Còn dữ liệu do project44 cung cấp cho thấy Maersk và MSC là những hãng tàu đang dẫn đầu nhóm các hãng hủy chuyến.
Từ tuần 17 đến 23, theo project44, liên minh THE (bao gồm ONE, Hapag-Lloyd, Yang Ming và HMM) sẽ hủy 33% trong tổng số các chuyến tàu từ châu Á, liên minh Ocean (bao gồm CMA CGM, COSCO, Evergreen và OOCL) sẽ hủy 37%, trong khi liên minh 2M với MSC và Maersk sẽ hủy bỏ 39% chuyến đi của mình.
Theo hãng tư vấn và phân tích thị trường Xeneta, tuyến vận chuyển châu Á – bờ Tây Hoa Kỳ đã chứng kiến số lượng hủy chuyến cao nhất trong năm tuần qua cả về sản lượng vận chuyển lẫn tỷ lệ % năng lực vận chuyển trên tuyến.
Trong khoảng thời gian từ ngày 4/4 đến ngày 8/5, 63 chuyến trên tuyến vận chuyển này đã bị hủy, loại bỏ tổng cộng 517.300 TEU ra khỏi thị trường, tương đương 25% năng lực vận chuyển.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Freightos, ông Judah Levine cho biết việc cắt giảm công suất có thể ổn định giá cước vận chuyển container từ châu Á đến châu Âu và bờ tây Mỹ, mức cước vốn đã giảm hơn 20% kể từ thời điểm bắt đầu phong tỏa thành phố Thượng Hải vào tháng 3/2022.
Trong khi đó, Chỉ số container của Drewry tiếp tục giảm xuống trong ngày 12/5. Chỉ số toàn cầu hàng tuần giảm 0,9% xuống 7.657,20 USD cho mỗi container 40ft, nhưng chỉ số này vẫn cao hơn 33,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Shabsie Levy, Giám đốc điều hành của nền tảng giao nhận hàng hóa kỹ thuật số Shifl cho biết: “Các hãng tàu đã cố gắng điều tiết mức sụt giảm cước giao ngay bằng cách hủy chuyến, đòng thời cố gắng thuyết phục các chủ hàng ký các hợp đồng dài hạn hơn cùng mức cước cao với hy vọng kéo dài giai đoạn làm ăn khấm khá của các hãng.
Một bản tin từ Freightos cho biết. “Bất chấp lượng hàng nhập chậm lại trong thời gian qua, dự báo khối lượng hàng hóa nhập khẩu bằng đường biển vào Hoa Kỳ trong những tháng mùa hè vẫn cao hơn năm ngoái, diễn biến cho thấy nhu cầu nhập hàng đang tăng lên để tránh sự chậm trễ trong mùa cao điểm, và cũng để “né” khả năng xảy ra tình trạng lãn công tại các cảng ở Bờ Tây khi hợp đồng lao động của công nhân cảng sẽ hết hạn vào cuối tháng 6”.
Tại Thượng Hải, thành phố đã bị phong tỏa trong hơn sáu tuần, đã có “ánh sáng” từ những dữ liệu chính thức được công bố, với việc thành phố lớn nhất của Trung Quốc đang tiến gần hơn đến mục tiêu chỉ tìm ra các ca nhiễm COVID mới trong số những người đã “bị cách ly”.
Hôm 11/5, các quan chức của thành phố cho biết trong đợt xét nghiệm trên diện rộng của Thượng Hải chỉ phát hiện ra hai ca nhiễm mới bên ngoài các khu vực đang phải thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, những ca nhiễm này cho thấy con đường đau khổ mà Thượng Hải phải đối diện để trở lại trạng thái bình thường, vì các ca nhiễm mới được phát hiện ở hai quận Xuhui và Fengxian. Các nhà chức trách cho biết mới đầu tuần trước, đây là hai trong số tám quận (Thượng Hải có tổng cộng 16 quận) đã đạt được trạng thái zero-covid, là các quận không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng nào trong ba ngày liên tiếp.
Thượng Hải được cho là sẽ dỡ phong tỏa vào ngày 20/5 tới.
NỀN Logistix | Trung Tuân / Theo Splash247