Sự tắc nghẽn tại các bến xuất khẩu lúa mì lớn nhất của Úc đã mở ra cơ hội làm giàu lớn cho các công ty đang sử dụng những loại tàu nhỏ hơn và vận chuyển bằng xe tải để có thể cung cấp cho các thị trường toàn cầu đang thèm muốn lúa mì.
Hai vụ thu hoạch bội thu liên tiếp đã kéo dài công suất tại các bến vận chuyển lớn tại Úc do các công ty như CBH Group, GrainCorp và Viterra điều hành. Bây giờ đây, với một vụ mùa lớn khác sắp xuất hiện vào cuối năm nay, các nhà xuất khẩu thiếu kiên nhẫn đang ngày càng chuyển sang các cách khác để đưa lúa mì ra thị trường.
Thế giới đang rất cần lúa mì từ Úc, một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới. Giá của các loại thực phẩm ngũ cốc thiết yếu đã tăng lên mức kỷ lục vào tháng 3 sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra làm tắc nghẽn xuất khẩu từ khu vực Biển Đen. Điều đó đã giúp đẩy lạm phát lương thực toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại. Trong khi giá lúa mì đã giảm xuống từ mức đỉnh, chúng vẫn đang đắt hơn khoảng 30% so với chi phí trung bình trong 10 năm qua.
Chính vì sự tắc nghẽn đó, một loạt các nhà khai thác đã gia nhập thị trường Úc để có thể cung cấp thêm năng lực xuất khẩu, đồng thời đây cũng là cơ hội để họ thu được lợi nhuận lớn.
Cách mà những công ty trung chuyển này sử dụng để làm giàu từ thị trường này là sử dụng các tàu nhẹ hơn, nhỏ hơn để chở ngũ cốc từ các cảng cạn lên các tàu lớn hơn đang chờ ở ngoài biển. Bên cạnh đó, những người xếp dỡ tàu cũng đang sử dụng các đội xe tải để gửi ngũ cốc lên tàu, bỏ qua các sử dụng các cơ sở vận tải lớn và cố định do các nhà khai thác số lượng lớn điều hành.
Ông James Maxwell, quản lý cấp cao của Australian Crop Forecasters cho biết: “Mọi người đang nghĩ ra những phương pháp mới để tránh việc phải xây dựng các công trình kiên cố và làm cho chúng có thể mở rộng khai thác hơn. Điều này đã giúp các công ty tăng cường năng lực xuất khẩu của mình trong vài năm qua.”
Theo dữ liệu từ Công ty tư vấn có trụ sở tại Melbourne, tỷ trọng xuất khẩu ngũ cốc rời được vận chuyển bởi các công ty xử lý quy mô nhỏ đã tăng lên đến 18% trong niên vụ 2021-2022, trong khi con số này vào 3 năm trước chỉ ở mức 2%.
Tuy nhiên, để các nhà khai thác quy mô nhỏ hơn có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào năng lực xuất khẩu chung, cần phải c tư vào xây dựng cơ sở vật chất hơn. Mặc dù các công ty này đang được hưởng lợi lớn ngay bây giờ khi công suất kéo dài, nhưng về lâu dài họ sẽ phải quay trở lại cạnh tranh với các công ty chế biến số lượng lớn khi hoạt động vận tải ổn định trở lại. Điều này sẽ đặt ra câu hỏi về khả năng tồn tại của các dự án nhỏ này, đặc biệt khi những năm tới có thể xảy ra hạn hán và không có mùa vụ bội thu, Maxwell cho biết thêm.
Trong khi đó, tốc độ xuất xưởng lúa mì trong năm nay tiếp tục gây áp lực lên chuỗi cung ứng. Với việc hàng hoá xuất khẩu của Úc sẽ duy trì hoạt động mạnh mẽ cho đến vụ thu hoạch tiếp theo, trong khi vận chuyển khó khăn khi các cảng được bảo trì, điều này có thể gây ra tình trạng kém hiệu quả trong vận chuyển và xuất khẩu.