Ban Nghiên cứu Valoma triển khai dự án kết nối doanh nghiệp với nhà trường tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

“Chúng tôi mong muốn tìm hiểu đến tất cả phần mềm, thiết bị đặc biệt quan tâm tới Simulation trong logistics hoặc quản lý chuỗi cung ứng”. PGS.TS Minh Ngọc – Trưởng bộ môn Kinh tế và kinh doanh thương mại đề nghị.

0
532

Ngày 18 tháng 8 vừa qua, Ban Nghiên cứu của VALOMA đã tham gia chia sẻ chủ đề “Công nghệ ứng dụng trong Logistics và quản lý chuỗi cung ứng” tại Bộ môn Kinh tế và Kinh doanh thương mại, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân. Hoạt động chia sẻ này nằm trong dự án tổ chức kết nối doanh nghiệp chia sẻ các vấn đề thực tiễn với các cơ sở giáo dục. Qua đó, hoạt động tạo điều kiện phối hợp doanh nghiệp và Nhà trường trong việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Mở đầu phần chia sẻ bằng bài trình bày của Bà Vũ Thu Huyền – Đại diện công ty cổ phần giải pháp chuỗi cung ứng SmartLog đã chia sẻ các giải pháp liên quan TMS, WMS để từ đó giúp doanh nghiệp quản trị các hoạt động trong kho cũng như vận tải của mình một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, bà Huyền còn giới thiệu dự kiến tháng 10 tới sẽ có một phiên bản đa chiều cho các trường Đại học, phục vụ các giảng viên và sinh viên có một luồng mô phỏng đơn giản nhưng đa chiều mang tính khái quát chứ không phải là phiên bản xây dựng theo đặc tính một ngành hàng, hay của một doanh nghiệp như bây giờ.

Việt Nam đang nói về cuộc cách mạnh 4.0, doanh nghiệp nói về chuyển đổi số và trong chính cuộc chia sẻ này Trưởng ban nghiên cứu – Hiệp hội phát triển nguồn nhân lực Logistics Việt Nam đã nêu ứng dụng công nghệ BIG DATA trong logistics chính xác là gì, cụ thể như thế nào trên chính một nghiên cứu ứng dụng của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel. Nội dung chia sẻ việc phân tích dữ liệu đã được ứng dụng trong phân tích để xây dựng chân dung khách hàng và lên một chiến dịch nhằm gia tăng doanh thu cũng như đánh giá hiệu quả như thế nào. Việc ứng dụng này không chỉ dừng lại ở bài toán kinh doanh mà có dùng máy học, thuật toán để thiết kế mạng lưới quy hoạch hay tối ưu chi phí các điểm đặt vị trí phục vụ khách hàng.

Phần trình bày của TS. Nguyễn Thị Vân Nga, giảng viên trường Đại học Thăng Long đề cập đến những phần mềm phổ biến trên thế giới có thể ứng dụng trong giảng dạy Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. TS. Nga cũng đã thực hành trải nghiệm một số phần mềm cụ thể để người nghe dễ hình dung và thấy được các tính năng phù hợp trong đào tạo và ứng dụng thực tiễn của các phần mềm tại doanh nghiệp. Phần trình bày đã giúp người nghe có cái nhìn tổng quát và xem xét thực tế triển khai, áp dụng các phần mềm này tại cơ sở đào tạo.

Đứng dưới góc nhìn của một công ty 3PL cung cấp các dịch vụ về logistics cho khách hàng, bà Lê Thanh Loan – Giám đốc công ty Gatelink Việt Nam cũng đã chia sẻ về những hoạt động  đang triển khai tại Gatelink. Những yêu cầu của doanh nghiệp đối với sinh viên khi tốt nghiệp đại học khi làm việc trong lĩnh vực logistics.

Tiếp nối chương trình là phần thảo luận sôi nổi của các thành viên tham dự. Một số những băn khoăn thắc mắc của các thầy cô cũng được các diễn giả trả lời cặn kẽ. Về phía Bộ môn đã có những phản hồi tích cực về chương trình mang lại ý nghĩa thiết thực theo đề xuất của Bộ môn. Bên cạnh đó Bộ môn cũng chia sẻ mong muốn đưa thực tiễn và các phần mềm vào giảng dạy cho các bạn sinh viên.

Kết thúc chương trình với những đánh giá của các thầy cô giảng viên đã là nguồn động lực lớn lao trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp và nhà trường, giữa thực tiễn và lý luận. Đây cũng là động lực để các hoạt động chia sẻ, kết nối của các ban chuyên môn trong hiệp hội phát triển nguồn nhân lực được phát huy và lan tỏa nhiều hơn trong thời gian tới.

(Theo tuvan.valoma.vn)