Tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới là tất yếu, song, cần đảm bảo quản trị rủi ro chặt chẽ

Trong giao thương quốc tế, hàng luôn đi kèm với tiền (thanh toán). Do đó, những rủi ro cũng chỉ xoay quanh 2 vấn đề này. Thông thường, các lỗi khi ký kết hợp đồng đó là chỉ chú trọng đến mô tả hàng hóa và giá cả, mà quên tra cứu chính sách Xuất nhập khẩu của các quốc gia dẫn đến thiếu liệt kê các chứng từ yêu cầu, hoặc liệt kê chung chung.

0
964

Cơ hội và rủi ro – hai nhân tố song hành

Những năm gần đây, việc tham gia kí kết các hiệp định FTA như EVFTA, CPTPP,… đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam. Điều này đặc biệt là một nhân tố quan trọng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện tại. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu,… đang phải chịu các ảnh hưởng từ lạm phát, dẫn đến sức tiêu thụ, tổng cầu nhập khẩu suy giảm. Để giảm bớt áp lực quá phụ thuộc vào các thị trường chính, Việt Nam cần phải đa dạng hoá tập khách hàng ở nhiều quốc gia hơn. Các thị trường mới có thể kể đến như châu Phi, Trung Đông, Nga và Nam Mỹ, với nhu cầu cao về nông sản, thực phẩm, dược phẩm, sản phẩm công nghiệp nhẹ, hàng gia dụng và sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đi cùng với các quy định chất lượng không quá nghiêm ngặt hay yêu cầu người tiêu dùng không quá khó tính.

Các sản phẩm thực phẩm và đồ uống được bán tại Châu Âu phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Liên minh châu Âu (EU) về an toàn thực phẩm, đảm bảo rằng chúng không chứa các chất độc hại, đảm bảo các tiêu chuẩn dinh dưỡng, v.v. Một ví dụ là tiêu chuẩn chất lượng của phô mai được bán tại Châu Âu phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về hàm lượng muối, chất béo, protein và không được chứa các chất phụ gia độc hại. Bên cạnh đó, nhu cầu của người tiêu dùng ở các khu vực này (vốn là các nước có thu nhập trung bình, thấp) chỉ dừng ở mức cơ bản, thiết yếu, phù hợp với túi tiền.

Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội luôn tiềm ẩn các rủi ro. Những rủi ro khi xuất khẩu vào các thị trường mới phải nhắc đến đó là các rủi ro pháp lý khi ký kết hợp đồng hay rủi ro không được nhà nhập khẩu thanh toán. Nhà xuất khẩu Việt Nam cần hiểu được tính nghiêm trọng của vấn đề, đồng thời, vạch ra các giải pháp phù hợp nhằm tránh vướng vào những tranh chấp phức tạp.

Thị trường mới và những điều cần lưu ý

Hợp đồng thương mại quốc tế – cần nhiều hơn những thoả thuận

Hợp đồng thương mại quốc tế thường chứa các điều khoản về giá cả, số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng và điều kiện thanh toán. Ngoài ra, các hợp đồng này còn bao gồm các điều khoản pháp lý để đảm bảo tính hợp pháp và chính quy của các giao dịch.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Tâm Thành, COO tại ONEX Logistics, nhận định rằng:

“Trong giao thương quốc tế, hàng luôn đi kèm với tiền (thanh toán). Do đó, những rủi ro cũng chỉ xoay quanh 2 vấn đề này. Thông thường, các lỗi khi ký kết hợp đồng đó là chỉ chú trọng đến mô tả hàng hóa và giá cả, mà quên tra cứu chính sách Xuất nhập khẩu của các quốc gia dẫn đến thiếu liệt kê các chứng từ yêu cầu, hoặc liệt kê chung chung. Đồng thời, cũng cần phải cân nhắc xem người ký hợp đồng có phải là người đại diện hợp pháp và đủ thẩm quyền hay không. Điều này là tất quan trọng, do khi đi kiện nhau mà người ký không hợp lệ sẽ bị tòa bác hồ sơ”.

Anh Nguyễn Tâm Thành trong một buổi chia sẻ tại Đại học Quốc tế – ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh

Việc ký kết hợp đồng thương mại quốc tế là quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và đáng tin cậy trong quá trình kinh doanh giữa các quốc gia. Nếu có bất kỳ tranh chấp nào xảy ra, các điều khoản trong hợp đồng sẽ được sử dụng như một bằng chứng để giải quyết tranh chấp.

Đối tác uy tín tưởng dễ nhưng rất khó

Uy tín của đối tác thương mại quốc tế là yếu tố hàng đầu cần phải cân nhắc trong các hoạt động thương mại quốc tế. Đối tác thương mại quốc tế uy tín có thể giúp bạn tăng doanh số bán hàng, tăng lợi nhuận và xây dựng quan hệ kinh doanh lâu dài. Điều đó thể hiện rõ nhất qua việc họ đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết, bao gồm chất lượng hàng hóa hoặc dịch vụ, thời gian giao hàng, giá cả và điều kiện thanh toán.

Tuy nhiên, Anh Thành cũng gợi ý, để có sự chuẩn bị cẩn trọng, ta có thể kiểm tra thông tin pháp lý và tình trạng thực tế hoạt động doanh nghiệp đối tác thông qua mạng lưới các đơn vị dịch vụ có Đại lý tại nước nhập khẩu. Dù chỉ ở mức tương đối nhưng cũng phần nào giúp giảm thiểu bớt rủi ro gặp phải những doanh nghiệp có hoạt động không ổn định, tình hình tài chính kém, hay xui xẻo hơn là gặp phải gian thương. Ngoài ra, cũng có thể phối hợp với với cục xúc tiến thương mại tại quốc gia sở tại và các hiệp hội ngành nghề để xác minh mức độ uy tín của nhà nhập khẩu.

Thanh toán quốc tế – L/C có phải là an toàn?

Nếu các rủi ro thanh toán không được quản lý tốt, người bán hàng hoặc người mua hàng có thể mất tiền. Trong một số trường hợp, các rủi ro này có thể dẫn đến thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến tài chính của công ty.

Việc lựa chọn phương thức thanh toán trở nên cực kỳ quan trọng, song, cũng cần phải hiểu rằng, ta còn phải phụ thuộc vào tập quán của các quốc gia (Ví dụ: Trung Quốc đặc biệt không sử dụng L/C,…). Để hạn chế các rủi ro, ta cần phải kết hợp linh động các phương thức thanh toán (VD: 30% T/T trước và kết hợp cùng với L/C).

Trên thực tế, không có phương pháp nào là an toàn tuyệt đối, kể cả L/C. Có rất nhiều trường hợp giao dịch thoả thuận thanh toán bằng L/C nhưng khi yêu cầu ngân hàng thanh toán thì vỡ lẽ ngân hàng mở L/C lại là ngân hàng không uy tín thì người bán cũng mất tiền như chơi. Do đó, trên thế giới, một số tổ chức đứng ra làm dịch vụ bảo hiểm tín dụng thương mại quốc tế, có thể giúp phần nào bảo vệ nhà xuất khẩu trước những rủi ro về thanh toán.

NỀN Logistix | Triết Bùi