Việt Nam tăng điểm nhưng tụt hạng trong đánh giá về hiệu quả logistics

0
1033
Bìa báo cáo Connecting to Compete 2023

Ngày 21/4/2023, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo “Kết nối để Cạnh tranh 2023”, đây là báo cáo chuyên đề logistics trước đây được thực hiện 2 năm/lần, tuy nhiên đã tạm ngưng sau ấn bản vào năm 2018. Đây là một báo cáo được xây dựng khá bài bản và đặc biệt, báo cáo này cung cấp bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (Logistics Performance Index, LPI), chỉ số được đội ngũ xây dựng chính sách quốc tế sử dụng thường xuyên và cũng đã xuất hiện trong Quyết định số 708/QĐ-BCT ngày 26/03/2019 của Bộ Công thương về việc phê duyệt kế hoạch cải thiện chỉ số Hiệu quả Logistics của Việt Nam.

Trong bảng xếp hạng LPI năm 2023, Việt Nam đã tiếp tục đà tăng điểm đạt được trong báo cáo LPI 2018 khi đạt mức tăng 0,03 điểm, từ 3,27 điểm lên 3,3 điểm (điểm cao nhất là 5). Trước đó, LPI 2018 ghi nhận Việt Nam tăng điểm rất mạnh từ số điểm 2,98 điểm ghi nhận vào báo cáo 2016.

Tuy nhiên, có thể thấy đà tăng điểm LPI của Việt Nam đã chậm lại trong báo cáo 2023, và Việt Nam cũng bị tụt 4 bậc trên bảng xếp hạng LPI 2023, rơi xuống vị trí thứ 43 trong số 139 nền kinh tế được xếp hạng. So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam tiếp tục xếp sau Singapore (đứng đầu bảng), Malaysia (xếp thứ 26) và Thái Lan (xếp thứ 34), cùng thứ hạng với Philippines. So với bảng xếp hạng lần trước, Malaysia và Philippines là hai nước đã có bước tăng điểm và tăng hạng mạnh mẽ, hai nước này lần lượt xếp ở thứ hạng 41 và 60 trong năm 2018.

Mặc dù tụt hạng nhưng có thể thấy là điểm LPI của Việt Nam nằm trong nhóm tương đương với các quốc gia khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Xét về các chỉ số thành phần, Việt Nam ghi điểm tăng ở các hạng mục về Hạ tầng, Hải quan và Gửi hàng quốc tế, còn các hạng mục Năng lực và chất lượng dịch vụ logistics, Tính đúng giờ và Khả năng theo dõi hàng hóa ghi nhận việc giảm điểm.

NămLPIXếp hạng LPIĐiểm thành phần
Hải quanHạ tầngGửi hàng quốc tếNăng lực và chất lượng dịch vụ logisticsTính đúng giờTheo dõi hàng hóa
20233.3433.13.23.33.23.33.4
20183.27392.953.013.163.43.673.45
20162.98642.752.73.122.883.52.84

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ báo cáo các năm 2016, 2018, 2023

LPI được tính toán dựa trên kết quả từ bảng câu hỏi được trả lời bởi các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực logistics trên toàn thế giới. Các chuyên gia này, căn cứ trên hiểu biết và trải nghiệm trực tiếp với công việc giao nhận hàng hóa tại các quốc gia mình có tương tác, sẽ cho điểm các quốc gia đó theo thang điểm từ 1 (kém nhất) đến 5 đối với từng điểm thành phần. LPI 2023 được xây dựng dựa trên kết quả trả lời của 652 chuyên gia về logistics trên toàn thế giới, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu (freight forwarding) và chuyển phát nhanh. Báo cáo LPI 2023 cũng giới thiệu các chỉ số ghi nhận từ các bộ dữ liệu theo dõi hàng hóa toàn cầu. Các bộ dữ liệu này đo lường tốc độ và sự chậm trễ từ các hoạt động vận chuyển container, bưu chính và cả vận chuyển theo đường hàng không.

Nền Logistix | Đặng Dương