Chuỗi cung ứng hàng hóa tuyến châu Á – Bắc Mỹ lại có nguy cơ bị gián đoạn

0
1972
Chuỗi cung ứng lại đứng trước rủi ro gián đoạn

Hai rủi ro tiềm ẩn làm gián đoạn chuỗi cung ứng có nguy cơ bùng phát vào mùa hè năm nay, ngay đúng vào thời điểm các nhà quản lý chuỗi cung ứng ở Mỹ đang chuẩn bị cho giai đoạn thường là bận rộn nhất trong năm đối với vận chuyển hàng qua đường biển.

Rủi ro đầu tiên là do chính con người tạo ra — sự thiếu hụt lao động tại các cảng ở Bờ Tây nước Mỹ, nơi các cuộc đàm phán về hợp đồng với giữa người lao động và giới quản lý đã kéo dài hơn một năm. Hai bên hiện đang căng thẳng về vấn đề lương và phân bổ lợi nhuận thu được trong thời kỳ đại dịch, trong khi thị trường vận tải biển giờ đã quay trở lại mức giá cước vận chuyển như trước đại dịch.

Như Bloomberg đã đưa tin trước đó, các thành viên của Nghiệp đoàn Kho Cảng Quốc tế (ILWU) đã ngừng hoạt động tại một số bến cảng ở cảng Los Angeles vào cuối tuần trước. Hiệp hội Hàng hải Thái Bình Dương (PMA) cho biết tình trạng tương tự xảy ra ở các cảng Oakland, Tacoma và Seattle.

Công nhân đình công tại một cảng ở Mỹ

Chi nhánh 13 của ILWU, đại diện cho công nhân tại các cảng Los Angeles và Long Beach (LA/LB), cho biết các hoạt động khai thác hàng hóa tại các cảng vẫn tiếp tục, nhưng khoảng 12.000 thành viên của tổ chức này ở Nam California đã “tự bày tỏ sự không hài lòng về vị thế của các hãng tàu và các nhà khai thác cảng.”

Rủi ro thứ hai thì không do con người mà là vấn đề từ thiên nhiên: Một đợt hạn hán nghiêm trọng ở vùng Trung Mỹ đang làm giảm năng lực vận chuyển của tàu container và tăng chi phí vận chuyển qua Kênh đào Panama.

Hồ Gatun, nơi cung cấp lượng nước cần thiết để nâng tàu qua một loạt âu tàu trên kênh đào nối từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương, đang hứng chịu mực nước thấp kỷ lục trong năm nay và hạn hán được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn trong suốt mùa hè.

Phụ phí tăng

Kết quả của đợt hạn hán này là phụ phí cao hơn cho mỗi tàu qua kênh và giới hạn về mớn nước của tàu, nghĩa là mỗi tàu phải chở ít hàng hơn. Một số hãng tàu đã thu lại chi phí từ chủ hàng thông qua khoản phí $300-$500 cho mỗi container.

Ông Ricaurte Vásquez, lãnh đạo của Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama, cho biết nếu tình hình tiếp tục trở nên cực đoan, nhà chức trách có thể buộc phải cắt giảm số lượng tàu đi qua kênh mỗi ngày xuống từ 28 đến 32 tàu, so với con số hiện nay là 36.

Mớn nước cho phép thấp hơn sẽ dẫn đến tình trạng tàu chở được ít hàng hơn và chịu chi phí cao hơn.

Kênh đào Panama đang giảm mớn nước cho phép, từ 50 feet (15,24m) xuống chỉ còn 44 feet (13,41m)

Chênh lệch mớn nước 6 feet (~1,83m) có thể khiến hãng tàu phải giảm lượng hàng chuyên chở đến 40%

Nhiều chủ hàng đã chuyển hàng hóa có xuất xứ từ châu Á đi theo tuyến qua kênh đào Panama trong những tháng gần đây để tránh những trục trặc có thể xảy ra do đình công ở các cảng Bờ Tây.

Giờ đây, đối mặt với những rủi ro do hạn hán và tranh chấp lao động ngày càng xấu đi, họ có thể phải đối mặt với những lựa chọn thay thế tốn kém chi phí và thời gian hơn: đưa hàng nhập từ châu Á đi theo tuyến qua Kênh đào Suez thay vì Panama, hoặc mạo hiểm chịu bị chậm trễ tại LA/LB và trả thêm chi phí vận chuyển đường sắt.

Vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang Bắc Mỹ bằng đường biển thường đi theo 3 cách, Cách 1 là băng qua Thái Bình Dương đến các cảng ở bờ Tây, cách 2 là tàu băng qua TBD và tiếp tục qua kênh đào Panama để cập các cảng bờ Đông hoặc khu vực vịnh Mexico, cách 3 là cho tàu đi qua Ấn Độ Dương, vào kênh đào Suez, băng qua Địa Trung Hải và Đại Tây Dương để cập các cảng ở bờ Đông. Đây là một tuyến dịch vụ đi theo cách 2.

Bà Stephanie Loomis của Rhenus Logistics cho biết: “Những giải pháp này đều rất tốn kém. Với tình trạng đình trệ lao động ở Bờ Tây như hiện nay, lựa chọn đưa hàng về LA/LB ngày càng trở nên ít hợp lý hơn.”

Nhưng “tốn kém” thì lại không phải là từ mà giới diều hâu tại Cục Dự trữ Liên bang muốn nghe.

Ông Jonathan Ostry, giáo sư kinh tế tại Đại học Georgetown và cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết: “Chi phí vận chuyển có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm1 cho lạm phát tăng đột biến trong tương lai.

Ông nói, ngay cả khi giá cước vận chuyển hiện nay thấp hơn so với thời kỳ đại dịch, nhưng nếu phí vận chuyển tăng lên 20% thì sẽ khiến tỷ lệ lạm phát tăng 0,15 điểm phần trăm một năm sau đó.

Nền Logistix | Trung Tuân / Theo Bloomberg

1 nguyên văn: a canary in the coal mine. Theo Nghiên cứu quốc tế, đây là thành ngữ chỉ một dấu hiệu cảnh báo sớm cho thấy một điều nguy hiểm nào đấy đang đến gần. Thành ngữ này bắt nguồn từ việc các thợ mỏ ở các nước phương Tây trước kia có thói quen mang một lồng chim hoàng yến (canary) xuống hầm mỏ. Khi lượng khí độc như methane hay CO2 trong hầm vượt quá nồng độ an toàn thì con chim hoàng yến sẽ chết trước, giúp thợ mỏ nhận ra nguy hiểm và kịp thời rút ra khỏi hầm.