“Logistics không chỉ là việc vận chuyển hàng hóa từ điểm A đến điểm B. Nó còn là cách để tạo ra trải nghiệm tốt cho khách hàng và xây dựng lòng tin trong ngành.” – Jack Ma – Nhà sáng lập của Alibaba Group đã phát biểu tại một sự kiện về thương mại điện tử và logistics
Điều đáng mừng và ghi nhận ở họ là đến với “sân chơi” này bằng tinh thần tự nguyện để chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ thông tin và chia sẻ cả chi phí ly cà phê – xuất điểm tâm để cùng nhau nối dài câu chuyện với chủ đích làm thế nào để hợp tác kinh doanh hiệu quả, phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam?
Anh Nguyễn Xuân Phúc – Tổng Giám đốc U&I Logistics với 25 năm hoạt động trong ngành quan niệm rằng, mọi câu chuyện có lẽ bắt đầu bằng hai chữ “hợp tác”. Hợp tác trong tinh thần cầu thị, tôn trọng, vì quyền lợi chung cho các bên, lợi ích của ngành thì mọi việc theo thời gian sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Anh cho rằng biết nhau chưa đủ mà phải làm bạn với nhau, càng chơi càng hiểu và càng thân, thân rồi thì mới có thể chia sẻ cơ hội, tài nguyên, đối tác – khách hàng và cả những trăn trở, tầm nhìn với độ tin cậy cao nhất.
Với hai chủ đề được các doanh nhân logistics chọn mạn đàm: Làm sao để gia tăng tính hợp tác trong dịch vụ logistics và Cơ hội hợp tác phát triển mạng lưới logistics Việt Nam của ngày 27/5/2023 và ngày 10/6/2023 tại TP.HCM đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, nhiều góc nhìn xuất phát từ thực tiễn hoạt động logistics ở nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ và mức độ khác nhau.
Hình thức họp mặt café giao lưu, trao đổi chuyện nghề, chuyện ngành với nhiều thông tin chia sẻ về xu hướng, hoạt động chuỗi cung ứng, công nghệ, tình hình kinh tế thế giới… vô hình chung rất gần gũi với mô hình sinh hoạt câu lạc bộ của các doanh nhân. Người điều phối, dẫn dắt câu chuyện xuyên suốt trong hai phiên sinh hoạt vừa qua là anh Trần Duy Khiêm cũng cho thấy sự am hiểu và duyên dáng đáng quý, từ việc chọn chủ đề đến cách thông tin, chuyền micro cho các thành viên tham gia. Ai cũng có cơ hội được trình bày các ý kiến của mình, những suy nghĩ của mình và đều được lắng nghe. Các vấn đề đề cập thường nhận được rất nhiều ý kiến, trao đổi từ nhiều giác độ, cách tiếp cận rất sâu nhưng cũng rất… tình, rất đời.
“Đối với một doanh nghiệp, logistics là một phần quan trọng của chiến lược cạnh tranh. Hiệu quả trong vận chuyển và phân phối hàng hóa có thể tạo ra lợi thế đáng kể trên thị trường.” Richard Branson – Nhà sáng lập của Virgin Group đã viết trên blog cá nhân
Nói là giao lưu, trao đổi nhưng bao giờ các chủ đề cũng được chọn lọc và đúc kết, hệ thống sau từng phiên. Một cách nào đó có thể hình dung rằng những người chủ trương và thành viên tham gia luôn tâm huyết, mong muốn có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành logistics nước nhà mà không nhất thiết phải đợi đến mùa, đến dịp và ở các kỳ lễ hội… logistics. Bởi cũng dễ hiểu, thực tiễn đời sống, thực tiễn hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics cũng giống bao ngành kinh tế khác diễn ra liên tục, liên lỉ mà không đợi mùa vụ.
8 đặc điểm cần thiết của sự hợp tác trong kinh doanh dịch vụ logistics
- Tính chủ động và tự nguyện
- Lòng tin và sự trung thực
- Chia sẻ lợi ích và trách nhiệm
- Tương hỗ và bổ sung
- Cải tiến và phát triển
- Tương tác và giao tiếp hiệu quả
- Hợp tác trong đàm phán
- Tranh thủ sự hỗ trợ từ Chính phủ và tổ chức ngành
Khi đề cập đến vấn đề “Cơ hội hợp tác phát triển mạng lưới logistics Việt Nam”, anh Trần Hoàng Hà – Giám đốc Công ty An Bình Logistics ở một cách tiếp cận khác cũng đặt vấn đề về sự cần thiết để hình thành các doanh nghiệp vận tải đa phương thức bên cạnh việc xây dựng hạ tầng logistics. Cần rà soát, tìm hiểu các nguyên nhân nhằm cải thiện và tối ưu hóa các hoạt động dịch vụ cảng biển, các tuyến vận tải biển, vận tải ven bờ, vận tải sông và vận tải thủy nội địa. Theo anh Hà, nhà nước và doanh nghiệp cũng cần mở rộng sự quan tâm, chú ý và đầu tư vào lĩnh vực vận tải đường sắt bên cạnh các phương thức vận tải khác như các nước đã làm rất hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên và góp phần giảm chi phí logistics.
Anh Trần Khánh Hoàng, Tổng Giám đốc khối Cảng và Logistics – Cảng quốc tế SP-ITC chia sẻ, vấn đề đầu tư phát triển trong lĩnh vực đường sắt nên nhìn ở góc độ vĩ mô, có nghĩa là nhà nước giữ vai trò chính trong đầu tư hạ tầng vì xuất đầu tư này với nguồn vốn rất lớn, quản lý vận hành khá phức tạp, còn doanh nghiệp tham gia đầu tư ở các phân khúc các đường nhánh, toa xe và khai thác dịch vụ thì hợp lý hơn. Khi tham gia đầu tư doanh nghiệp cần quan tâm chọn lựa các vị trí thích hợp, chiến lược, các depot, trung tâm trung chuyển ở những ga tiện lợi dễ khai thác nguồn hàng tốt nhất có thể…
Về lĩnh vực đường sắt chị Trần Thị Huệ Chi – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Việt Nam (TRV) thì cho rằng, vận tải đường sắt cũng giống như nhiều phương thức vận tải khác như đường hàng không, đường biển, đường bộ… hiện nay cũng đã được luật hóa, cách tiếp cận đã có nhiều cởi mở so với trước đây, vấn đề là các cơ quan quản lý ngành cần tách bạch giữa hạ tầng và các toa xe, hoạt động dịch vụ… Làm thế nào đó để phương thức vận tải này có những đóng góp tương xứng so với tiềm năng của nó mà nhiều nước đã đầu tư khai thác rất thành công.
Từ một góc nhìn rộng hơn, anh Nguyễn Hoài Chung, CEO kiêm Founder Sàn giao dịch logistics Phaata đề cập đến vấn đề “kết nối” thông qua ba yếu tố quan trọng trong khai thác phát triển mạng lưới logistics là kết nối hạ tầng, kết nối con người và kết nối thông tin để làm nền tảng trong việc xây dựng phát triển chuỗi giá trị ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
10 yếu tố cần thiết để khai thác hiệu quả mạng lưới logistics Việt Nam
- Năng lực vận chuyển
- Cơ sở hạ tầng
- Nhân lực
- Quy trình và hệ thống quản lý
- Liên kết với đối tác chiến lược
- Tuân thủ quy định pháp luật
- Xây dựng mạng lưới đối tác
- Đầu tư vào công nghệ
- Đánh giá rủi ro và bảo hiểm
- Định vị và tiếp thị
Dung lượng thời gian cho mỗi cuộc giao lưu được Ban tổ chức thiết kế giới hạn từ 2h-2,5h/ một chương trình sẽ là khá “o ép” khi vẫn còn rất nhiều sự quan tâm muốn đóng góp xây dựng và phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện đại, hiệu quả.