Chuyên gia: Các nước đang phát triển bị tổn thương do cước vận tải biển tăng phi mã

0
1106
Theo chuyên gia quốc tế, thì các quốc gia đang phát triển là những nước chịu thiệt hại nhiều nhất từ thực trạng vận chuyển container quốc tế, nhiều quốc gia trong nhóm này đang phải đứng ngoài cuộc chơi do các hãng tàu bỏ chuyến, không ghé các cảng ở các nước này nữa.

Các quốc gia đang phát triển và nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại các nước này đang bị giáng một đòn rất mạnh từ thực trạng ngành vận tải biển hiện nay do cước vận chuyển tăng rất cao và các doanh nghiệp không thể vận chuyển hàng hóa.

Trong hội thảo trực tuyến của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa được tổ chức vào giữa tháng 7/2021, một nội dung đã được nhấn mạnh trong Hội thảo là các công ty vừa và nhỏ chính là bên thua cuộc nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng vận tải container hiện nay trong khi các hãng tàu lớn, liên minh hãng tàu và các ông lớn trong lĩnh vực giao nhận vận tải (freight forwarder) lại đang là bên thắng lớn từ khủng hoảng.

Nền Logistix: Hội thảo được chủ trì bởi một “người quen” của chúng ta, ông Jan Hoffmann, Trưởng Tiểu ban Logistics Thương mại (Chief of Trade Logistics Branch) thuộc UNCTAD. Hẳn các bạn vẫn còn nhớ bài viết cách đây hơn 1 tháng của ông mà Nền Logistix đã giới thiệu.

Ông Denis Choumert, Chủ tịch của Liên minh Chủ hàng Toàn cầu (Global Shippers Alliance, GSA), cho biết chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã sụp đổ vì họ không thể chi trả được phí vận chuyển đường biển. Ông mô tả bức tranh về ngành vận tải biển hiện nay như đang trong tình trạng chiến tranh, “Mọi người đều mạnh ai người nấy cố giành được phần ngon nhất trên thị trường và không nghĩ đến thứ gì khác ngoài tiền”.

Denis Choumert
Ông Denis Choumert, Chủ tịch của Liên minh Chủ hàng Toàn cầu, ông hiện cũng là Chủ tịch của Hội đồng Chủ hàng châu Âu (European Shippers’ Council)

Ngay cả ở những quốc gia xuất khẩu hàng đầu, như Trung Quốc, xuất khẩu đã tăng 32% trong 6 tháng qua, các chủ hàng cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhập mức cước cao để có container xuất sang Mỹ và Châu Âu.

Ông Chaichan Charoensuk, Chủ tịch Hội đồng Chủ hàng quốc gia của Thái Lan và đại diện của Liên minh các chủ hàng châu Á, nhận định rằng nếu cước vận tải biển còn tiếp tục tăng thì các chủ hàng sẽ sớm rơi vào kiệt quệ. Ông kêu gọi các cơ quan chức năng về hợp tác và cạnh tranh hỗ trợ xem xét về giá cước cho các doanh nghiệp.

“Nếu chúng ta ngồi yên thì tôi không thể nhìn thấy tí ánh sáng nào chuối đường hầm, vì giá cước chưa có dấu hiệu dừng lại”. Ông Charoensuk nhấn mạnh rằng toàn bộ các bên liên quan trong chuỗi cung ứng cần phải nhìn vào phần chìm của tảng băng: “Có những chi phí vô hình rất lớn, như chi phí cơ hội, doanh nghiệp mất đi vì không thể xuất khẩu do thiếu container và cước tăng cao”.

Congestion at Shanghai Port: Container Ships Diverted - mfame.guru
Trong phần trình bày của mình, ông Chaichan Charoensuk cũng nhấn mạnh đến thực trạng khó khăn của các chủ hàng châu Á hiện nay là thiếu container rỗng, trong khi tại các cảng ở Bắc Mỹ và châu Âu thì nhiều thời điểm ghi nhận tình trạng thừa container rỗng

Còn theo ông John Manners-Bell, Giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận Foundation for Future Supply Chain thì vấn đề nằm ở chỗ toàn bộ chuỗi cung ứng hiện đã quá tải với sự tăng trưởng của hàng hóa. Ông ngao ngán: “Trước đây, tôi chưa từng có trải nghiệm về mức độ căng thẳng trong mối quan hệ giữa các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng như giai đoạn này. Các bên đã liên tục lên án và đổ lỗi cho nhau rất kịch liệt”.

Giáo sư John Manners-Bell là một nhân vật nổi tiếng trong ngành logistics ở châu Âu. Bên cạnh công việc tư vấn, ông còn đi giảng dạy, thuyết trình và viết sách.

Ông cho rằng nhóm các quốc gia đang phát triển là những nước chịu thiệt hại nhiều nhất, nhiều quốc gia trong nhóm này đang phải đứng ngoài cuộc chơi do các hãng tàu bỏ chuyến, không ghé các cảng ở các nước này nữa.

Đi sâu hơn, đại diện của tổ chức phi lợi nhuận cho biết: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực doanh nghiệp chiếm phần lớn tại các quốc gia đang phát triển, chính là nhóm thua thiệt nhất. Họ khó có thể đặt chỗ, và nếu có chỗ thì họ cũng không dám đặt vì không thể chịu được với mức cước giao ngay trên thị trường hiện nay”.

Manners-Bell so sánh hệ thống vận tải biển hiện nay với tình trạng được ghi nhận vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2009 khi các quốc gia đang phát triển mất đi sự hỗ trợ từ nhiều ngân hàng và buộc phải quay sang Trung Quốc để nhận các gói hỗ trợ, kịch bản này hoàn toàn có khả năng lặp lại sau cuộc khủng hoảng lần này.

Bà Teresa Moreira, Trưởng bộ phận phụ trách về chính sách cạnh tranh và tiêu dùng tại UNCTAD lưu ý rằng lĩnh vực hàng hải đã làm dấy lên sự quan tâm từ góc độ luật và chính sách cạnh tranh trong vài thập kỷ qua, do hoạt động của các bên trong lĩnh vực này tiềm ẩn khả năng dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực thị trường.

Bà Moreira nhìn nhận “Tình trạng này là một nội dung đáng được quan tâm và cần có sự vào cuộc của các nhà chức trách và cơ quan công quyền để đối thoại với các hiệp hội doanh nghiệp”.

Bà cho rằng các chính phủ có thể tham gia và tạm thời kiểm soát giá cước vận tải biển, vốn đang tăng rất cao gây ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian qua.

Đại diện cho GSA, ông Choumert cho rằng cơ quan quản lý cạnh tranh khó có thể giải quyết được vấn đề của ngành vận tải biển trong ngắn hạn bằng cách đưa ra các giới hạn hoặc có biện pháp cấm đoán. Tương lai của ngành vận tải biển nằm ở việc khuôn khổ hóa thị trường (framing the market) chứ không phải là cố gắng điều tiết nó. “Chúng ta cần phải tìm cách thiết lập các loại hợp đồng khác nhau và cần một thị trường có độ minh bạch cao hơn” ông nói.

Người đọc có lẽ sẽ cảm thấy khó hiểu một chút với bình luận của ông Denis Choumert liên quan đến việc thiết lập các loại hợp đồng để khuôn khổ hóa thị trường vận tải container đường biển. Đây thực ra không phải là một nội dung dễ và cũng khó có thể giải thích trong phạm vi một vài đoạn. Nếu các bạn có trong tay cuốn sách này, thì Chương 6: Về bản chất của quan hệ hợp đồng, sẽ là nơi giúp các bạn hiểu hơn về điều ông Denis Choumert đề cập.

Ông Choumert cho rằng chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay là sự phối hợp tốt hơn giữa các bên tham gia vào thị trường vận tải. Ông đề xuất, “Các chủ hàng, cùng với hãng tàu và các forwarder cần cùng nhau tìm kiếm nhiều giải pháp để tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng cũng như là tối ưu hóa nguồn lực cảng biển. Số hóa, đương nhiên, cũng là một phần tất yếu của các giải pháp trong hiện tại và tương lai”.

Nền Logistix | Tâm Vũ / Theo Splash247