Siêu thị ở TP.HCM mở lại kênh online nhưng khan hiếm shipper

Dù shipper được phép hoạt động trở lại và các siêu thị TP.HCM đã mở lại kênh đặt hàng online, tỷ lệ đặt đơn và giao hàng thành công đến người dân vẫn còn thấp.

0
1131
Hiện nay, số lượng shipper hoạt động, đặc biệt tại các quận, huyện vùng đỏ thấp hơn nhu cầu vận chuyển của người dân. Ảnh: Hải Dương.

Ngày 31/8, Sở Công Thương TP.HCM có văn bản đề nghị các quận, huyện phổ biến mô hình “đi chợ hộ” thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến đến các phường, xã, thị trấn, các hệ thống phân phối trên địa bàn.

Theo đó, trong sáng 1/9, một số siêu thị và sàn thương mại điện tử đã mở các kênh đặt hàng online, đi chợ hộ. Đại diện Aeon Việt Nam cho biết hôm nay các hệ thống siêu thị bắt đầu mở lại kênh đi chợ online trên ứng dụng Grabmart và NowFresh (ShopeeFood).

Đại diện Central Retail Việt Nam cũng cho hay ngay khi TP.HCM cho lực lượng shipper hoạt động trở lại, hệ thống cũng bắt đầu mở thêm các kênh đặt hàng online thông qua các ứng dụng, đường dây hotline và Zalo.

Mở lại kênh online

Đại diện Aeon Việt Nam, bà Đoàn Kim Hương – Trưởng phòng vận hành Aeon Việt Nam cho biết sáng 1/9, siêu thị Aeon Tân Phú đã mở lại Grabmart và Shopee Food, siêu thị Aeon Bình Tân đã mở lại Shopee Food nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, giao nhận hàng hóa thiết yếu của người dân tại 2 quận Tân Phú và Bình Tân.

Đối với siêu thị Aeon Bình Tân, đã có một số thời điểm số lượng đơn quá tải do nhu cầu của người dân rất lớn. Tuy nhiên, số lượng shipper giao hàng vẫn hạn chế, không có shipper để nhận đơn. “Việc tìm shipper trên các ứng dụng có thể mất nhiều thời gian, vì vậy khách hàng có thể hẹn trước giờ giao để từ phía tài xế và siêu thị cũng có thể chuẩn bị trước”, bà Hương nói.

Theo bà Hương việc mở lại các kênh online trên ứng dụng công nghệ không chỉ giúp duy trì chuỗi cung ứng mà hơn hết sẽ thêm hình thức mua sắm khác để hỗ trợ “chia lửa”, gỡ khó cho các địa phương.

Đại diện Viettel Post cũng cho hay trong sáng nay đã triển khai gian hàng “đi chợ online” với các combo rau củ, trái cây với nhiều mức giá từ 109.000 đồng trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò. Ngay trong ngày đầu mở bán, đơn vị này ghi nhận hơn 11.000 đơn hàng.

Từ ngày 23/8 đến nay, kênh bán hàng online của Bách Hóa Xanh vẫn duy trì hoạt động nhưng người dân phản ánh việc truy cập thường xuyên bị quá tải. Theo thống kê sơ bộ, gần đây lượng truy cập vào website bán hàng của đơn vị này ước tính gần 1 triệu lượt, nên doanh nghiệp phải tăng cường điều tiết số lượng hàng hóa phục vụ người mua.

Ngày 31/8, Bách Hóa Xanh thông báo, chỉ nhận đơn hàng từ 300.000-1,5 triệu đồng và thu thêm phí giao hàng từ 10.000-20.000 đồng/đơn do thiếu nhân viên, không kịp soạn, giao hàng. Khả năng phục vụ mỗi cửa hàng khoảng 50-100 đơn/ngày, mỗi số điện thoại chỉ được đặt 1 lần/3 ngày. Đơn hàng nào giao qua shipper, khách sẽ phải trả tiền ship theo cước ứng dụng.

Trong khi đó, đại diện Saigon Co.op cũng cho biết hiện nay các siêu thị đều quá tải đơn hàng do số nhân viên đi làm hạn chế. “Hiện số đơn hàng tăng gấp 3-5 lần so với ngày thường. Chúng tôi đang tập trung xử lý nên chưa thể mở lại trang bán hàng online tại các quận, huyện vùng đỏ”, đại diện Saigon Co.op cho hay.

Vẫn gặp khó vì thiếu nhân lực, shipper

Nhiều siêu thị cho biết họ vẫn gặp khó khăn trong vấn đề nhân lực chuẩn bị đơn hàng. Đại diện một siêu thị cho hay hiện nay mỗi ngày chỉ giao được 500 đơn hàng cho chính quyền địa phương, các đơn lẻ siêu thị hỗ trợ khách nhưng không đáng kể.

“Con số khách đặt những ngày gần đây không thể tính được bởi sức mua tăng rất cao trong khi năng lực siêu thị có hạn, nhiều nhân viên là F0, hoặc đã khỏi bệnh nhưng không có giấy đi đường để đi làm”, đại diện siêu thị này cho hay.

Nhiều siêu thị cũng cho biết vẫn đang mong chờ hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể của cơ quan chức năng về việc cấp thêm 20.000 giấy đi đường cho nhân viên ngành bán lẻ để kịp thời bổ sung nhân sự xử lý số lượng đơn hàng còn tồn đọng nhiều ngày qua.

Bên cạnh vấn đề nhân lực, các siêu thị, ứng dụng giao hàng cho biết đang gặp khó khăn khi mở lại kênh đi chợ online vì thiếu shipper mặc dù TP đã cho phép lực lượng này được hoạt động nội quận, xét nghiệm Covid-19 miễn phí.

Theo nhiều shipper, khó khăn trong việc xét nghiệm vào sáng sớm, nhận giấy xác nhận xét nghiệm cũng như tâm lý lo ngại dịch bệnh đã khiến họ không mặn mà ra đường hoạt động. Một số shipper thậm chí còn kêu gọi các đồng nghiệp “tắt app” ngừng chạy giao hàng vì cho rằng UBND thành phố liên tục thay đổi các quy định và ngày càng khắt khe hơn.

Đại diện các ứng dụng giao hàng và đi chợ hộ cho rằng dù đã đăng ký danh sách shipper nhưng lực lượng này là đối tác của ứng dụng, không phải người lao động hay nhân viên nên không thể yêu cầu shipper ra đường làm việc.

“Các shipper đối tác đều có thể tự cân nhắc những rủi ro, bất tiện khi ra đường hoạt động, chúng tôi không thể ép buộc đối tác đi làm mà chỉ có thể tạo điều kiện tốt nhất, cả về thu nhập và giấy tờ khi lưu thông”, đại diện một ứng dụng gọi xe chia sẻ với Zing.

(Theo Zing)