Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa được công bố, ba tháng đầu năm Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận 1.788 tỷ đồng doanh thu, tăng 9,2%. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 131 tỷ đồng, giảm gần 14%.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận trong báo cáo riêng của công ty mẹ tăng gần 60% với 162 tỷ đồng. Kết quả này có được phần lớn nhờ vào nguồn cổ tức từ công ty con, theo lý giải của Vĩnh Hoàn.
Tính đến ngày 31/3, VHC có 7 công ty con và một công ty liên kết, bao gồm Công ty Thực phẩm Sa Giang, chuyên sản phẩm bánh phồng tôm và thực phẩm ăn liền…
Năm ngoái, VHC chi khoảng 350 tỷ đồng để mua cổ phần chi phối Sa Giang từ đợt đấu giá của Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC. Ngày 16/4, VHC tiếp tục mua thêm cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu tại Sa Giang lên 76,72%.
Với doanh thu xuất khẩu trên 300 triệu USD vào năm ngoái, VHC chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành.
Chi phí bán hàng tăng mạnh (gấp đôi cùng kỳ) do cước tàu container tăng. Đây là nguyên nhân khiến Vĩnh Hoàn báo lợi nhuận suy giảm, trong khi các thị trường xuất khẩu chính của công ty đều tăng trưởng.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ nhưng kim ngạch xuất sang các thị trường chính đều tăng. Cụ thể Mỹ là thị trường lớn nhất đạt kim ngạch gần 57 triệu USD, tăng 13%; tiếp đến là Trung Quốc – Hong Kong 43,6 triệu USD, tăng 5,4%.
Sự cố tàu Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez là một trong những nguyên nhân đẩy giá cước tàu tăng cao, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tại đại hội cổ đông thường niên ngày 29/4 tới, Vĩnh Hoàn dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu doanh thu tăng 22%, đạt 8.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kịch bản kém khả quan nhất, lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt 700 tỷ đồng, giảm 3% so với năm ngoái.
Cổ phiếu VHC trên sàn đã giảm gần 12% kể từ đầu năm. Chốt phiên giao dịch hôm nay 23/4, cổ phiếu dừng tại mức 36.700 đồng, vốn hóa thị trường đạt hơn 6.600 tỷ đồng.