Hạ viện Mỹ điều tra ba hãng tàu lớn về cước vận chuyển

0
802

Tóm tắt:

  • Đầu tháng 3/2022, theo Ủy ban Giám sát và Cải tổ Chính phủ thuộc Hạ viện Mỹ, ba hãng tàu châu Âu là A.P. Møller Maersk, CMA CGM Group và Hapag-Lloyd đã nhận được yêu cầu cung cấp tài liệu và thông tin để giải thích lý do đằng sau việc tăng giá cước vận chuyển trong hai năm qua.
  • Tiểu ban chuyên trách Khủng hoảng Coronavirus và Tiểu ban Chính sách Kinh tế và Tiêu dùng đã gửi thư yêu cầu các hãng cung cấp tài liệu và thông tin, với hạn chót là ngày 16/3/2022.
  • Trong nội dung thư, các ủy ban bày tỏ sự quan ngại rằng các hãng tàu “có thể đã tham gia vào các hoạt động kinh doanh săn mồi (predatory business practices) trong thời kỳ đại dịch, khiến cho nhiều hàng hóa thiết yếu trở nên đắt đỏ hơn với người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ.”

Các hãng tàu container quốc tế, một lần nữa, lại đang nằm trong tầm ngắm của cơ quan chức năng. Những tin tức về cuộc điều tra do Hạ viện thực hiện được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Joe Biden nhắc đến câu chuyện các hãng tàu tăng giá cước vận tải biển và đặt câu hỏi về tính cạnh tranh trong ngành.

Hạ viện Mỹ cũng bày tỏ lo ngại trước thực trạng chi phí vận tải đường biển tăng lên trong thời gian qua. Theo một bản cập nhật hàng tuần từ Freightos vào đầu tháng 3/2022, giá cước vận tải biển đã tăng lên đến 16.155 USD/FEU cho tuyến châu Á – Bờ Tây (cao hơn 204% so với cùng kỳ 2021) và 18.250 USD/FEU cho tuyến châu Á – Bờ Đông Hoa Kỳ (cao hơn 218% so với cùng kỳ 2021).

Các hãng tàu không xa lạ với việc “bị soi” này, họ vốn đã được đưa vào tầm ngắm của các cơ quan chức năng từ khi giá cước tăng. Vào năm 2021, Ủy ban Hàng hải Liên bang Mỹ (FMC) thông báo Ủy ban này sẽ kiểm tra việc tính phí lưu container (DEM và DET) của 9 hãng tàu hàng đầu tại Mỹ.

Tuyên bố trước Ủy ban Khoa học, Thương mại và Vận tải của Thượng viện Hoa Kỳ trong ngày 3/3, ông Daniel B. Maffei, Chủ tịch Ủy ban Hàng hải Liên bang cho biết, “FMC đã tăng cường hoạt động điều tra và thực thi pháp luật trong thời gian qua, với sự chú ý đặc biệt đến các hãng tàu container”.

Các hãng tàu container có thời hạn đến ngày 16/3 để cung cấp các tài liệu như thông tin liên lạc nội bộ và trao đổi với bên ngoài liên quan đến giá cước vận chuyển tuyến xuyên Thái Bình Dương, thông tin liên lạc với các hãng tàu khác liên quan đến tác động của cước tuyến xuyên Thái Bình Dương và danh sách các hợp đồng dài hạn mà các hãng đã ký với khách hàng.

Nội dung thư đã gửi đến các hãng tàu cũng nhấn mạnh, “Các Ủy ban còn quan ngại rằng nhiều hãng tàu có thể đã tận dụng thực trạng tăng cước tạm thời này để chốt các hợp đồng dài hạn với mức giá cao hơn trước”.

Một số bên liên quan khác trong ngành vận tải container đường biển đã bày tỏ sự bất đồng với việc các hãng tàu container chịu sự giám sát gắt gao trong thời gian qua.

Trong đó, ông John Butler, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Vận tải biển Thế giới (World Shipping Council) nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng: “Thật đáng thất vọng khi những cáo buộc vô căn cứ đang được đưa ra để chống lại ngành dịch vụ đang vận chuyển nhiều hàng hóa hơn bất kỳ lúc nào trong lịch sử (BTV: ngành vận tải container đường biển) để đáp ứng nhu cầu chưa từng có đối với hàng nhập khẩu trong thời kỳ đại dịch”.

John Butler, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của WSC

NỀN Logistix | Trung Tuân / Theo Supplychain Dive