Nạn nhân bất ngờ của chính sách phong tỏa Thượng Hải: Các tuyến vận chuyển nội Á

0
1392
Nhân viên y tế tại Thượng Hải trong đợt thành phố này phong tỏa. Ảnh: VOANews

Hoạt động vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm giữa Trung Quốc với các nước châu Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi Thượng Hải bị phong tỏa

Hoạt động thương mại chậm chạp tại thành phố Thượng Hải từ sau khi thành phố cảng này bị phong tỏa đã gây ra sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu thô trên các tuyến vận chuyển nội Á (intra-Asia) quan trọng. Các quốc gia trọng yếu trong các tuyến thương mại này – Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Campuchia – hiện đang có nhiều nhà máy phải chờ đợi nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất hoàn thiện nhiều thành phẩm, từ quần áo, giày dép đến đồ nội thất.

Tuyến thương mại nội Á đã ghi nhận sự tấp nập hàng hóa nhiều hơn khi ngày càng có nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đa dạng hóa hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc như là một biện pháp để giải quyết vấn đề thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhưng điều mà đại dịch COVID-19 đã tiết lộ là ngay cả với sự “đa dạng hóa sản xuất” (manufacturing diversification) này, sự phụ thuộc vào Trung Quốc vẫn chưa bao giờ bị cắt đứt hoàn toàn. Các nguyên liệu thô chính để sản xuất như đay (jute), bông, lụa, len và sợi nhân tạo được sử dụng trong ngành dệt may đều được các nhà máy mua rất nhiều từ Trung Quốc.

A worker in a protective suit keeps watch on a street, as the second stage of a two-stage lockdown  began in Shangha. Photo: Reuters
Cảnh vắng vẻ trên đường phố Thượng Hải trong những ngày phong tỏa

Những nguyên liệu thô này là thành phần chính trong sợi, vải, dây buộc, chỉ, túi, miếng đệm vai và eo quần. Ngoài ra, các thành phẩm hỗ trợ (nút, khóa kéo, v.v.), da và đế cao su (dành cho giày) được sản xuất tại Trung Quốc và được vận chuyển đến các nhà máy khác tại châu Á.

Do đó, nếu một thùng dây kéo (zipper) thành phẩm mắc kẹt trong một nhà máy sản xuất Trung Quốc đã đóng cửa, hoặc sản phẩm này có thể được vận chuyển do doanh nghiệp thuộc nhóm 666 “may mắn”* nhưng xe tải lại không thể vào nhận hàng do các lệnh hạn chế hà khắc, thì người tiêu dùng cũng chịu cảnh chậm tiếp cận thành phẩm.

Ông Peter Sand, Giám đốc Phân tích tại hãng tư vấn và phân tích thị trường Xeneta, cho biết: “Chúng tôi lo ngại rằng việc phong tỏa tại thành phố cảng Thượng Hải đang ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển nội Á nhiều hơn là tác động đến xuất khẩu của châu Á”.

Profile photo of Peter Sand
Ông Peter Sand lo ngại về chính sách phong tỏa tại thành phố cảng Thượng Hải

Cầu thị trường suy giảm

Dữ liệu từ Xeneta cho thấy sự sụt giảm về giá trong các hợp đồng vận chuyển container ngắn hạn trên tuyến vận chuyển nội Á. Giá cả là sự phản ánh của nhu cầu – cụ thể trong trường hợp này, là sự thiếu hụt về nhu cầu vận chuyển.

Đường màu cam cho thấy mức cước hợp đồng ngắn hạn trên các tuyến vận chuyển Nội Á đang có xu hướng giảm

Ông Nate Herman, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách về chính sách của Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) cho biết: “Chúng tôi không chỉ lo lắng về sự chậm lại tại các trung tâm sản xuất lớn và tại các cảng biển bận rộn nhất thế giới, mà chúng tôi còn quan ngại về tác động của lệnh phong tỏa đối với hoạt động vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm giữa Trung Quốc và các nước châu Á khác.

AAFA là một trong những Hiệp hội ngành hàng lớn nhất tại Mỹ với hội viên đến từ trên 1000 thương hiệu thời trang, nhà bán lẻ và nhà sản xuất lớn.

Ngoài các thành phẩm quan trọng, nhiều loại hóa chất cũng cần được vận chuyển. Ông Jeremy Pafford, người đứng đầu mảng phát triển thị trường tại khu vực Bắc Mỹ của tổ chức tư vấn Independent Commodity Intelligence Services, trao đổi với American Shipper một trường hợp tiêu biểu về một nguyên liệu hóa chất được sử dụng để sản xuất quần áo là sợi polyester (polyester yarn).

Theo đó, Pafford cho biết: “Do chính sách phong tỏa, tồn kho sợi polyester ở Trung Quốc đã tăng cao khi mà các nhà máy sử dụng sợi này phải đóng cửa. Điều này tạo áp lực giảm giá lên tới 10% ở một số khu vực và đặt ra bài toán dành cho các nhà sản xuất sợi polyester phải giảm mức độ sản xuất nếu nhiều nhà máy dệt không sớm mở cửa trở lại”.

Ông Pafford cho biết do Trung Quốc là trung tâm sản xuất hóa chất của châu Á, việc ngừng hoạt động của các nhà máy tạo ra ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và người mua ở các khu vực lân cận.

Ông kết luận: “Việc ngừng hoạt động này làm giảm nhu cầu và giảm giá hóa chất trong khu vực vào thời điểm mà chi phí cho dầu thô và khí đốt tự nhiên đang ở mức cao. Các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng đang phải đối mặt với nhiều áp lực”.

—————————-

* Nhóm 666 may mắn (nguyên văn: the “lucky” 666): Vào ngày 15/4/2022, sau khi phong tỏa một thời gian, chính quyền Thành phố Thượng Hải đã quyết định chọn ra 666 doanh nghiệp để cho phép hoạt động sản xuất trở lại. Không có lời giải thích cụ thể nào về con số 666 này từ phía chính quyền Thượng Hải. Cả thành phố có khoảng 50.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. (Theo Báo Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post))

NỀN Logistix | Trung Tuân / Theo Freightwaves