Hàng xuất khẩu sang Mỹ dần dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam

0
1924
Giai đoạn 2017-2022 chứng kiến Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ sản lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ. Nguồn đồ họa: The Economist Intelligence Unit

Các mô hình thương mại toàn cầu đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng, khi việc đưa sản xuất trở lại quốc gia gốc của công ty (reshoring) rõ ràng đã làm giảm sự thống trị của Trung Quốc trong thương mại hàng container qua Thái Bình Dương.

Đại dịch Covid, một nước Trung Quốc đang trở nên quyết liệt hơn, căng thẳng ở eo biển Đài Loan và cuộc chiến ở Ukraine đều đã góp phần khiến nhiều doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm nguồn cung hàng hóa ở những nơi khác ngoài Trung Quốc.

Theo dữ liệu được Xeneta, hãng tư vấn và phân tích thị trường có trụ sở tại Oslo, công bố hôm 20/4 vừa qua, thì Việt Nam đang ngày càng trở thành nguồn cung cấp hàng hóa dồi dào hơn cho Mỹ.

XENETA là hãng tư vấn và phân tích thị trường hàng đầu trong lĩnh vực vận tải container đường biển

Theo đó, trong 5 năm gần nhất, lượng hàng container nhập khẩu từ châu Á vào Mỹ đã tăng 26%. Tuy nhiên, trong số 12 nền kinh tế chính trong khu vực, Trung Quốc và Singapore đã ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong lượng hàng xuất khẩu này, chỉ đạt 7%. Hong Kong là nền kinh tế duy nhất trong số đó không tăng trưởng. Trong khi đó, Xeneta ghi nhận Việt Nam đã có mức tăng trưởng hàng container xuất khẩu sang Mỹ lên đến 156% từ năm 2017 đến năm 2022.

Một xu hướng tương tự cũng xuất hiện về mặt tỷ trọng hàng nhập khẩu. Vào năm 2022, 56% tổng số hàng hóa nhập khẩu container vào Hoa Kỳ từ châu Á là đến từ Trung Quốc. Mặc dù là khá đáng kể, con số 56% bị lu mờ bởi thực tế rằng tỷ lệ này đã giảm đi 10 điểm phần trăm so với thời điểm năm 2017. Trong khi đó, tỷ trọng lượng hàng Việt Nam vào Mỹ đã tăng gần như gấp đôi, từ 6% vào năm 2017 lên đến 11% vào năm 2022.

Quỹ tiền tệ Quốc Tế (IMF) cho biết việc đầu tư của các công ty nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ vào nửa sau của năm 2022. Theo đó, đầu tư nước ngoài đã giảm 73% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 42,5 tỷ USD. Đặt con số này vào bối cảnh các giai đoạn trước, thì từ 6 tháng đầu năm 2020 đến 6 tháng cuối năm 2022, đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trung bình đạt 160 tỷ USD mỗi 6 tháng.

Trái ngược với tình hình ở Trung Quốc, Việt Nam đã chứng kiến vốn FDI trong 3 tháng đầu năm 2023 tăng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số lượng dự án đầu tư nước ngoài mới tăng 62,1%. Chiếm khoảng 75% tổng số trị giá các dự án, chế tạo và sản xuất là các lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất.

Sang đến năm 2023, dữ liệu nhập khẩu vào Mỹ vẫn tương đồng với giai đoạn trước đó. Dữ liệu cũng cho thấy doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng phát triển các thị trường nhập khẩu mới để xuất khẩu lượng hàng trước đây vẫn đi đến xứ Cờ Hoa.

Trong tháng 3, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm rõ rệt, với mức giảm 3,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mặc dù đây là sự suy giảm đáng kể, tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng thương mại mạnh mẽ với Nga và các nước Nam Á.

Bà Emily Stausbøll, nhà phân tích thị trường tại Xeneta bình luận: “Việc xây dựng các cơ sở sản xuất mới và đầu tư hạ tầng cảng biển mất khá nhiều thời gian, như chúng ta đang thấy ở Việt Nam, Campuchia và Singapore, vì vậy tác động của các khoản đầu tư vào ngày hôm nay sẽ chưa được cụ thể hóa đầy đủ cho đến lúc các công trình hình thành. Điều này cho thấy các mô hình thương mại đang thay đổi mà chúng ta đang chứng kiến có thể là khởi đầu của một sự điều chỉnh lớn hơn.”

Một nghiên cứu gần đây của tập đoàn tư vấn toàn cầu Kearney cho thấy có tới 96% CEO Mỹ đang xem xét việc đưa sản xuất trở về Mỹ như một chiến lược, tăng 18% so với thời điểm năm 2022. Và hầu hết các CEO này đã cam kết, thậm chí đã thực hiện, việc đưa hoạt động sản xuất “hồi hương”.

Reshoring đang là một xu thế đáng chú ý. Nguồn đồ họa: allthingssupplychain.com

Ông Omar Troncoso, một tư vấn kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ của Kearney, cho biết “Chúng ta đang tiến đến một quá trình dịch chuyển sản xuất ổn định. Đưa sản xuất về lại Mỹ đang trở thành vừa là nguyên nhân, và vừa là hệ quả từ việc các doanh nghiệp cân nhắc nghiêm túc về cách thức xây dựng và vận hành chuỗi cung ứng để đưa họ tiến lên trong thập kỷ tiếp theo.”

Bà Stausbøll kết luận: “Trong tương lai, những diễn biến hiện tại có vẻ như sẽ chúng ta chứng kiến nhiều quyết định về thương mại và đầu tư được dựa trên địa chính trị hơn là tình trạng hàng hóa sẵn có hoặc giá cả. Cách thức diễn ra, và tốc độ của tiến trình thay đổi này sẽ phụ thuộc vào một loạt các yếu tố không chắc chắn – đặc biệt là sự leo thang căng thẳng xung quanh Đài Loan. Cho đến nay, với các nhà lãnh đạo chính có một cách tiếp cận ôn hoà hơn so với Mỹ, các nước châu Âu vẫn giữ tỷ lệ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tương đối ổn định, nhưng một sự kiện địa chính trị lớn khác hoàn toàn có thể sẽ thay đổi điều đó.”

NỀN Logistix | Kim Hải / Theo Splash247