Vai trò, quyền lợi và yêu cầu đối với vị trí Chuyên viên Khai báo Hải quan

Chuyên viên khai báo hải quan (Customs Clearance Executive) có vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa thủ tục hải quan, giảm rủi ro, và đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thực hiện một cách hiệu quả và hợp pháp. Họ cần có kiến thức và kỹ năng cần thiết về pháp luật hải quan, phân loại hàng hóa, chính sách liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu và các nghiệp vụ liên quan trong quy trình xuất khẩu, nhập khẩu.

0
611

ONEX Training đã tổng hợp phần mô tả công việc, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng và phẩm chất mà một Chuyên viên Khai báo Hải quan cần để bạn có thể chuẩn bị cho công việc tương lai của mình.

1. Mô tả công việc Chuyên viên Khai báo Hải quan (Job Description Customs Clearance Executive)
1.1. Chức danh công việc: Chuyên viên khai báo hải quan (Customs Clearance Executive).
1.2. Khối/Phòng: Phòng xuất nhập khẩu (Import-Export Department).
1.3. Cấp bậc công việc: Nhân viên (Executive).
1.4. Báo cáo trực tiếp cho: Quản lý Logistics (Logistics Manager).
1.5. Quản lý nhân viên trực tiếp: Tuỳ thuộc quy định từng tổ chức (Organization).
1.6. Phối hợp tác nghiệp nội bộ: Phòng xuất nhập khẩu/Import-Export Department.
1.7. Phối hợp tác nghiệp ngoài phòng kinh doanh: Tất cả phòng, ban/All Departments.

Chuyên viên Khai báo hải quan vận dụng sáu Quy tắc phân loại hàng hoá (General Interpretative Rules) và các nguyên tắc của Bộ Tài chính để phân loại (determine) được hàng hoá và áp mã số (HS Code) phù hợp với thông tin và tài liệu kỹ thuật của một mặt hàng cụ thể.

2. Trách nhiệm (Responsibilities)
2.1. Hoàn thành thủ tục khai báo hải quan điện tử theo đúng quy định hiện hành.
a) Kiểm tra bộ chứng từ khai báo hải quan (Commercial Invoice, Packing List, Bill of Lading, C/O,…).
b) Tra cứu mã số hàng hoá (HS Code), các loại thuế, thuế suất và chính sách quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.
c) Khai báo tờ khai hải quan điện tử trên phần mềm ECUS5VNACCS.

2.2. Thực hiện công tác khai báo trực tiếp tại chi cục hải quan và giao nhận hàng hoá tại cảng.
a) Hoàn thành các nghiệp vụ với hãng vận chuyển và nhận lệnh giao hàng (D/O, EDO).
b) Xuất trình hồ sơ hải quan, thực hiện kiểm tra thực tế hàng hoá, giải trình trực tiếp với công chức có liên quan.
c) Hoàn thành thủ tục giao nhận hàng hoá với cảng hoặc kho hàng.

2.3. Thực hiện các nghiệp vụ kiểm tra chuyên ngành, đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

2.4. Báo cáo kết quả công việc, lưu trữ hồ sơ và bàn giao chứng từ cho các bên liên quan.

Chuyên viên Khai báo Hải quan kiểm tra seal hãng tàu và seal giám định sau khi hoàn tất Kiểm dịch thực vật tại cảng – một phần công việc của Nhân viên Hiện trường/ OPS.

3. Kiến thức, kỹ năng và phẩm chất (Knowledge, Skills, and Attributes)
3.1. Kiến thức (Knowledge)
a) Pháp luật hải quan và pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hải quan, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
b) Trị giá hải quan (Customs valuation) và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
c) Chính sách quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
d) Phân loại hàng hóa (HS Code).
e) Hiệp định thương mại tự do, xuất xứ hàng hóa (C/O) và ghi nhãn hàng hoá.
f) Quy trình thủ tục hải quan đối với các lô hàng xuất nhập khẩu đường biển và đường hàng không.
g) Kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương: Incoterms, hợp đồng ngoại thương, thanh toán quốc tế, vận chuyển quốc tế, phân loại và ý nghĩa của chứng từ pháp lý, chứng từ thương mại, chứng từ vận chuyển.

3.2. Kỹ năng (Skills)
a) Ứng dụng tin học văn phòng, sử dụng nhuần nhuyễn các phần mềm quản lý dịch vụ logistics, khai hải quan điện tử ECUS5VNACCS, hệ thống thông tin một cửa quốc gia, Comis, Ecosys, PQS, các trang web kiểm tra chuyên ngành, Eport, Vietnamhub,…
b) Đọc hiểu tiếng Việt, tiếng Anh chuyên ngành và các thuật ngữ Logistics.
c) Lập kế hoạch và quản lý thời gian.
d) Giao tiếp: nghe, nói, đọc, viết, quan sát và trình bày.
e) Kỹ năng làm việc độc lập và kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm. Linh hoạt giải quyết vấn đề và quản lý tốt các mối quan hệ.

3.3. Phẩm chất (Attributes)
a) Tuân thủ, kỷ luật và trung thực.
b) Kiên trì, nhẫn nại và cẩn thận.
c) Bình tĩnh, tự tin và sức khoẻ ổn định.

Cần có cái nhìn toàn diện hơn về nghề khai báo hải quan

Suy cho cùng ai khai báo hải quan rồi cũng sẽ thông, nhưng thông như thế nào để hợp pháp, an toàn, tối ưu chi phí mới là điều quan trọng.

“Những ngày đầu đi thực tập tốt nghiệp, tôi cứ nghĩ làm khai báo hải quan là in bộ chứng từ mang ra chi cục Hải quan nộp cho công chức. Đóng lệ và phí. Hải quan bảo sai kêu sửa thì về sửa rồi mang ra lại. Xong phần đăng ký thì xuống cảng lấy hàng. Ai làm nhanh người đó giỏi.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề, tôi hiểu rằng ngoài kiến thức về pháp luật phải được cập nhật thường xuyên, một Chuyên viên Khai báo Hải quan còn cần có vốn sống đủ rộng, am hiểu về Quản trị kinh doanh, cơ bản về sản xuất và cả đặc tính lý – hoá – sinh của từng mặt hàng xuất nhập khẩu nhằm xác định chính xác HS Code và kiểm tra chuyên ngành.

Thông quan nhanh là quan trọng nhưng trong một vài trường hợp bằng Kiến thức và Kinh nghiệm của mình, tôi kiên quyết thuyết phục chủ hàng thà chậm hơn một ngày để hàng hoá được kiểm tra chi tiết thực tế, được phân tích phân loại rõ ràng thậm chí tham vấn giá công khai để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế chính xác nhất giúp công tác thông quan An toàn và Hợp pháp”. (Võ Thanh Tú | CEO ONEX Logistics).

Theo ONEX Training.