Tuyến vận chuyển xuyên Thái Bình Dương thêm nhộn nhịp

0
2968
Shanghai Jin Jiang (SJJ) là cái tên tiếp theo gia nhập thị trường vận chuyển châu Á - Bắc Mỹ

Với một thị trường vận chuyển đang ghi nhận lượng nhu cầu cực cao là tuyến xuyên Thái Bình Dương (Transpacific), thì một hãng tàu nữa vừa thông báo sẽ tham gia vào thị trường này. Hãng tàu Trung Quốc Shanghai Jin Jiang Shipping (SJJ) sẽ bổ sung hai tàu với sức chở 1.713 TEU vào đội tàu đang vận hành của tuyến TPX do China United Lines (CULines) khai thác, nâng tần suất của tuyến dịch vụ TPX từ hai tuần/chuyến lên thành tuyến định kỳ hàng tuần. Tuyến dịch vụ này có hải trình đi thẳng từ cảng Thượng Hải đến cảng Long Beach (Mỹ).

Tuyến TPX cũng sẽ tạo thêm cơ hội cho hàng hóa Việt Nam có thêm lựa chọn để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hàng xuất khẩu qua tuyến TPX sẽ được vận chuyển đến cảng Thượng Hải và trung chuyển sang Mỹ.

“Hai hãng tàu Trung Quốc rõ ràng là có tham vọng tăng cường sự tham gia của họ trên xuyên Thái Bình Dương,” Alphaliner lưu ý trong báo cáo tuần 34 của mình.

CULines đang trong quá trình chuẩn bị ra mắt tuyến dịch vụ mới Transpacific Express II (TPC) trong khi SJJ đã đạt được thỏa thuận với Transfar Shipping để mua 400 TEU mỗi chuyến trên tuyến dịch vụ mà Transfar cung cấp, cũng kết nối cảng Thượng Hải và cảng Los Angeles / Long Beach (Mỹ).

Tàu Ren Jian 25 do CULines khai thác cập cảng Tân Cảng Cái Mép – Thị Vải (TCTT) để xếp hàng đi châu Âu. CULines là một trong những hãng tàu đã rất năng động mở rộng tuyến dịch vụ trong giai đoạn vận tải biển thế giới căng thẳng.

Theo Alphaliner, CU Lines hiện là hãng tàu lớn thứ 31 thế giới, khai thác 22 tàu với tổng sức chở trên 45.000 TEU. Shanghai Jin Jiang khai thác nhiều tàu hơn, nhưng cỡ tàu nhỏ hơn nên tổng sức chở là xấp xỉ 34.200 TEU, SJJ đứng thứ 38 trong nhóm các hãng tàu lớn nhất thế giới. SJJ đã hoạt động tại Việt Nam trong nhiều năm qua, Hoi Wah Shipping đang là đại lý của hãng tàu này tại Việt Nam.

Transfar là hãng vận chuyển có trụ sở tại Singapore và sẽ tham gia vào tuyến xuyên Thái Bình Dương từ tháng 10 năm nay. Hãng này gần đây đã chi một khoản tiền khổng lồ 150.000 USD/ngày để thuê tàu Minna có sức chở 3.091 TEU.

Những hãng tàu mới tham gia vào thị trường vận chuyển xuyên Thái Bình Dương đã làm bức tranh về thị phần vận chuyển thay đổi đáng kể trong những tháng gần đây. Thị phần sức chở của các hãng tàu không thuộc các liên minh hiện còn cao hơn cả năng lực vận chuyển của liên minh THE và 2M, và hiện bằng khoảng 30% tổng công suất được triển khai xuyên Thái Bình Dương, theo dữ liệu của Sea-Intelligence.

Nhóm các hãng tàu không chính thức tham gia liên minh nào (Non-alliance) như Wan Hai, CU Lines, Matson, PIL… đã tăng cường tham gia vào thị trường vận chuyển tuyến châu Á – Mỹ và có được thị phần đáng kể trong giai đoạn đại dịch COVID-19

Nền Logistix | Trung Tuân / Theo Splash247