Guồng quay 15 ngày ‘đi chợ hộ’ ở TP.HCM

Nửa tháng "ai ở đâu ở yên đó" cũng là 15 ngày người dân TP.HCM loay hoay với "đi chợ hộ". Có ngày một chuỗi siêu thị nhận tới 40.000 đơn hàng nhưng chỉ giao được 2.000 đơn.

0
514
Hiện nay, gánh nặng mua sắm của 9,4 triệu dân TP.HCM đặt lên vai của hàng chục nghìn người trong một hệ thống cung ứng chỉ được vận hành khoảng 20-30% công suất. Ảnh: Phương Lâm.

Từ ngày 23/8, tất cả hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ”. Theo đó, tổ hậu cần, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện, công an, quân đội được tăng cường tại địa phương sẽ tham gia đi chợ hộ với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến từng hộ dân.

Thực tế, “đi chợ hộ” cho 9,4 triệu dân TP.HCM là việc làm chưa có trong tiền lệ. Do đó, 15 ngày qua ở các hệ thống phân phối, quận, huyện địa phương và thậm chí người dân là những ngày chạy đua.

Siêu thị chạy đua với số lượng 10% nhân viên và phải gánh thêm phần việc lựa chọn combo hàng hóa, hỗ trợ địa phương giao hàng. Các lực lượng phường xã lần đầu tiên trải nghiệm đi chợ hộ cho hàng nghìn người dân mỗi ngày. Và người dân TP.HCM chạy đua với những ngày cạn kiệt thực phẩm, kênh đặt hàng liên tục quá tải.

Siêu thị, địa phương đều quá tải

Để người dân thuận tiện mua sắm trong thời gian TP.HCM siết chặt giãn cách, nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm đã đẩy mạnh việc bán hàng theo combo. Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết một số combo có mức giá chưa phù hợp, số khác cho rằng cần bổ sung thêm một số mặt hàng thiết yếu như bỉm, sữa, giấy vệ sinh,…

Ngay sau đó, Sở Công Thương TP.HCM đã có chỉ đạo các siêu thị phải thiết kế lại các combo phù hợp hơn. Theo đó, các siêu thị đã nhanh chóng bổ sung nhiều combo với nhiều mức giá và cho phép người dân được đặt thêm hàng hóa ngoài combo.

Sau khoảng 4-5 ngày triển khai, khi lượng thực phẩm dự trữ của người dân bắt đầu cạn kiệt, lượng đặt hàng “đi chợ hộ” tăng vọt. Đây cũng là thời điểm bộc lộ rõ những khó khăn, bất cập của phương án này.

Các hệ thống đặt hàng của phường, siêu thị liên tục quá tải. Trong khi đó, hệ thống siêu thị phải cắt giảm rất nhiều nhân viên đi làm theo yêu cầu giãn cách, một siêu thị nhận 1.000 đơn hàng mỗi ngày nhưng chỉ có thể giao 500 đơn hàng. Hay Bách Hóa Xanh ngày 25/8, nhận được 40.000 đơn nhưng chỉ giao được 2.000 đơn.

Chưa kể, lực lượng tình nguyện, công an, bộ đội đến mua hàng lại lúng túng trong khâu lựa chọn hàng hóa hoặc không quen địa bàn; người trung niên, cao tuổi thì khả năng sử dụng công nghệ kém nên nhiều việc phải làm thủ công…

Hơn nữa, nhiều phường cũng không đủ lực lượng để đi giao hàng. Chẳng hạn, một phường nhận 700 đơn hàng nhưng chỉ có 9 người thì không thể giao hết được trong ngày.

Chính vì vậy tại nhiều địa phương, người dân đặt hàng 4-5 ngày thậm chí 1 tuần vẫn chưa nhận được và khi đến tay người dân, có tình trạng thiếu hàng, một số thực phẩm ôi thiu, hư hỏng.

Linh hoạt thay đổi

Sau khi nhận thấy nhiều khó khăn, bất cập của phương án “đi chợ hộ”, lãnh đạo TP.HCM đã chấp thuận đề xuất Sở Công Thương cho phép shipper tham gia vận chuyển hàng hóa giúp chia sẻ, giảm gánh nặng cho đội ngũ hiện tại đang rất mỏng.

Tuy nhiên, việc cho phép này cũng đi kèm với yêu cầu shipper chỉ được hoạt động trong quận, huyện và phải xét nghiệm 1 lần/ngày.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng đề nghị các quận, huyện phổ biến mô hình “đi chợ hộ” qua ứng dụng giao hàng và sàn thương mại điện tử.

Hiện, một số siêu thị cũng tìm cách xoay xở giúp giảm tải “đi chợ hộ”. Chuỗi siêu thị GO!, Big C, Tops Market đã triển khai ứng dụng BIPBIP tại 2 quận Bình Tân và Gò Vấp. Theo đó, người dân có thể mua trực tiếp các nhu yếu phẩm hàng ngày theo từng combo riêng với giá chỉ từ 120.000 đồng và được giao đến tận nhà hoặc cơ quan địa phương.

Bà Nguyễn Thục Uyên Vi, Giám đốc điều hành cho hay mỗi ngày tại các quận, siêu thị có thể giao khoảng 300 đơn hàng. “Người dân có thể liên lạc đặt hàng chỉ với các thao tác đơn giản thực phẩm sẽ được giao đủ, đúng đến từng nhà, từng ngõ ngách nhỏ với sự phối hợp trực tiếp với các cơ quan chính quyền địa phương trong thời gian tuân thủ giãn cách chống dịch Covid-19”, bà nói.

Ngày 6/9, Central Retail tại Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều khu vực khác như quận 2 cũ (TP Thủ Đức), quận Tân Phú.

Hay, Aeon Việt Nam cho phép người dân đặt hàng trực tiếp từ kênh online của siêu thị và ứng dụng giao hàng Grab và Shopeefoods. Vinmart, Vinmart+ cũng mở kênh đặt hàng online từ trang web đi chợ hộ của siêu thị.

Saigon Co.op cũng cho biết chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food vừa đưa vào vận hành hàng loạt xe bus “Chuyến xe mua chung – bình ổn giá” để kịp thời giao hàng cho các đầu mối mua chung. Hoạt động này nhằm giảm tải đáng kể cho công tác đi chợ hộ.

Sẽ tiếp tục “đi chợ hộ”?

Đến nay, TP.HCM đã thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” được hai tuần. Tuy nhiên, việc cung ứng thực phẩm cho người dân thông qua “đi chợ hộ” vẫn gặp nhiều khó khăn, chậm giao hoặc hàng hư hỏng.

Trong khi đó, một số siêu thị hiện nay đã linh hoạt cho phép người dân đặt hàng trực tiếp các kênh online của đơn vị và giao qua shipper. “Tuy nhiên, việc kết nối các shipper vẫn gặp nhiều khó khăn do số lượng hoạt động vẫn còn hạn chế”, đại diện siêu thị Aeon Việt Nam cho hay.

Tương tự, nhiều người dân đặt mua thực phẩm qua ứng dụng Grab, Shopeefoods… đều gặp tình trạng tài xế bận không có người giao.

Tính đến ngày 2/9, TP.HCM mới chỉ có khoảng 10.000 shipper nhận đơn hàng. Theo nhiều shipper, khó khăn trong việc xét nghiệm vào sáng sớm, nhận giấy xác nhận xét nghiệm cũng như tâm lý lo ngại dịch bệnh đã khiến họ không mặn mà ra đường hoạt động.

Theo một số người dân, nếu sau ngày 6/9, TP.HCM vẫn yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó” thì nên có phương án linh hoạt hơn về “đi chợ hộ” như giảm bớt yêu cầu đối với shipper và cho phép được giao hàng liên quận, huyện để lực lượng này hoạt động nhiều hơn. Hoặc quy định tất cả siêu thị cho phép người dân đặt hàng trực tiếp và giao qua shipper để giảm tải cho các phường, xã.

“Tại một số quận, huyện đã kiểm soát được dịch, nên cân nhắc cho phép người dân được đi chợ 1 lần/tuần bởi thực tế việc đặt hàng online cũng rất khó khăn vì thiếu shipper”, chị Quỳnh (quận 7) đề xuất.

Trong khi đó, một số siêu thị cũng cho biết hiện tại nhân lực siêu thị đã được bổ sung, và nguồn thực phẩm luôn dồi dào, sẵn có, nhu cầu người dân cũng tăng mạnh qua kênh online nhưng điểm mấu chốt vẫn là thiếu người giao hàng.

“Hiện nay số lượng shipper hạn chế chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu người dân. Giá ship cao nên nhiều người cũng e ngại. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng thành phố cần có phương án tháo gỡ khó khăn cho các shipper để đội ngũ này hoạt động trở lại nhiều hơn”, đại diện một siêu thị đề xuất.

Về phía ứng dụng giao hàng, việc shipper phải xét nghiệm mỗi ngày từ sáng sớm và chỉ được giao hàng trong nội quận, huyện khiến nhiều tài xế không mặn mà đăng ký hoạt động.

“Lực lượng này là đối tác của ứng dụng, không phải người lao động hay nhân viên nên không thể yêu cầu shipper ra đường làm việc”, đại diện một ứng dụng cho hay.

Đại diện ứng dụng Ahamove cho biết ứng dụng đăng ký hoạt động với 2.000 shipper nhưng chỉ khoảng 70-80% shipper hoạt động. “Việc xét nghiệm mỗi ngày của shipper vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt tại một số điểm xét nghiệm cho biết vẫn chưa nhận được chỉ đạo xét nghiệm miễn phí cho shipper nên họ phải quay về. Một số tài xế có tâm lý không muốn ra đường”, đại diện này cho hay.

(Theo Zing)