Hapag-Lloyd tiếp bước CMA-CGM với việc ngừng tăng cước giao ngay

0
2206
Hapag-Lloyd cùng với CMA-CGM đang là hai hãng công khai tuyên bố ngừng tăng cước giao ngay

Hãng tàu Đức Hapag-Lloyd đã có động thái tương tự với CMA-CGM để “ghìm cương” cước vận tải sau khi chi phí vận tải biển tiếp tục tăng mạnh trong những tháng qua

Mặc dù động cơ tăng trưởng của thị trường vẫn còn rất mạnh, hai trong số các hãng tàu container hàng đầu thế giới đều vừa cam kết không triển khai bất kỳ đợt tăng cước vận tải biển nào nữa trong những tháng sắp tới. Và trong động thái mới nhất, hãng tàu Hapag-Lloyd có trụ sở tại Đức đã cùng với CMA-CGM, hãng tàu số 1 của nước Pháp, triển khai áp dụng giới hạn mức trần đối với cước giao ngay áp dụng cho hàng hóa đóng container.

Hãng vận tải container của Đức trao đổi với Lloyd’s List rằng họ đã đã không tăng giá trong vài tuần vừa qua, và cho biết: “Chúng tôi tin rằng giá cước giao ngay đã đạt đỉnh và chúng tôi sẽ không tăng cước thêm nữa. Chúng tôi hy vọng rằng thị trường sẽ bắt đầu bình tĩnh trở lại”.

Trước đó vào ngày 9/9, CMA-CGM thông tin trong một Thông báo gửi tới khách hàng rằng bất kỳ mức tăng có thể nào áp dụng cho cước giao ngay sẽ được tạm dừng cho đến ngày 1/2/2022, quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Việc không tăng cước được áp dụng cho tất cả các dịch vụ vận chuyển dưới các thương hiệu khác nhau của CMA-CGM, bao gồm CNC, Container, ANL, APL và Mercosul, cũng như với chính thương hiệu CMA-CGM.

Hapag-Lloyd chưa nêu rõ thời hạn áp dụng, đại diện hãng tàu cho biết việc ngưng tăng cước sẽ có hiệu lực “trong một khoảng thời gian nhất định”.

Lloyd’s List đã liên hệ các hãng tàu container khác để tìm hiểu xem liệu các hãng này có theo bước hai ông lớn châu Âu hay không.

Giá cước giao ngay, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong vận chuyển container đường biển, được chi phối bởi các diễn biến trên thị trường và nhu cầu vận chuyển tăng mạnh trong năm qua đã đẩy giá cước lên mức chưa từng có.

Chỉ số cước xuất khẩu container Thượng Hải (SCFI) mới nhất cho thấy giá cước vận chuyển từ Trung Quốc đi các nước Bắc Âu đạt trung bình 7.491 USD/TEU trong tuần qua trong khi với các tuyến xuyên Thái Bình Dương, mức trung bình hiện là 6.322 USD/FEU.

Trong thời gian qua, các chủ hàng đã phản ứng rất kịch liệt về mức tăng chi phí vận tải đường biển quá lớn mà họ phải đối mặt, nhưng chính nhu cầu vận chuyển hàng hóa đã khiến giá cả tăng cao sau khi các chủ hàng tham gia vào cuộc chiến đấu giá để giành bất kỳ vị trí sẵn có nào trên tàu để vận chuyển hàng hóa.

Hãng tàu CMA-CGM cho biết họ đang ưu tiên phát triển mối quan hệ lâu dài giữa hãng với khách hàng “trước tình huống chưa có tiền lệ trong ngành vận tải biển”. Hãng tàu Pháp kỳ vọng giá cước theo định hướng thị trường sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, nhưng dù vậy, hãng cam kết không chạy theo thị trường để tăng cước chào cho khách hàng.

Trong một phát biểu vào tháng 8/2021, ông Rolf Habben Jansen, Giám đốc điều hành Hapag-Lloyd, lại có vẻ như là đã loại trừ mọi hình thức kiểm soát giá cước từ phía hãng tàu khi cho rằng nhu cầu về vận chuyển đang là quá lớn. Ông cho biết, “Nếu Hapag-Lloyd không theo sát mức giá thị trường, thì chúng tôi chắc chắn nhận được nhiều booking đặt chỗ đến mức hệ thống của chúng tôi có thể bị ngưng trệ. Nhưng trong những ngày này, chỗ thì rất ít còn hàng thì lại quá nhiều, và sự mất cân xứng cung – cầu đang dẫn đến mức giá điên rồ như hiện nay”.

Hapag-Lloyd extends chief executive Rolf Habben Jansen's contract by five  years - The Loadstar
Mới trong tháng 8/2021, ông Rolf Habben Jansen, Giám đốc điều hành Hapag-Lloyd, lại đề cập theo một hướng khác khi nhắc đến vấn đề kiểm soát giá cước.

Tuy nhiên, hai trong số các hãng tàu container hàng đầu thế giới hiện nay lại đang tiên phong trong việc cố gắng chống lại đà tăng thị trường và đưa cước vận chuyển về mức hợp lý hơn.

Nền Logistix | Trung Tuân / Theo Lloyd’s List