Các hãng tàu phản ứng thế nào trước động thái ngưng tăng cước của CMA CGM?

0
2175
Liệu CMA CGM (và cả Hapag-Lloyd) có "đơn độc" trong việc ngưng tăng cước giao ngay (?) hay động thái "đóng băng" cước giao ngay của CMA CGM có thể hiểu là do ông lớn của Pháp cũng đã không còn bao nhiêu slot để bán theo spot rate nữa?

Nhiều hãng tàu hàng đầu thế giới vẫn chưa có động thái rõ rệt nào trước thông báo ngưng tăng cước giao ngay mà hãng tàu CMA CGM ban hành gần đây.

Vào ngày thứ năm tuần trước (9/9), hãng tàu có trụ sở chính tại Marseille đã gây sốc cho thị trường vận tải biển khi thông báo rộng rãi rằng hãng sẽ ngừng tăng tất cả các mức cước giao ngay cho đến đầu tháng 2/2022. CMA CGM cho biết động thái bất ngờ này được triển khai để hãng có thể ưu tiên phát triển mối quan hệ lâu dài giữa CMA-CGM với khách hàng của hãng trong bối cảnh ngành vận tải biển đối mặt với một “tình huống vô tiền khoáng hậu” như hiện nay.

Thông báo về giá cước trên sẽ được áp dụng cho tất cả các thương hiệu vận tải biển của tập đoàn CMA-CGM, bao gồm cả CNC, Containerships, Mercosul, ANL và APL.

Sau thông báo của CMA CGM, lãnh đạo các hãng tàu HMM, Mediterranean Shipping Co (MSC) và Ocean Network Express (ONE) đều từ chối bình luận về các thỏa thuận liên quan đến cước giao ngay của các hãng này.

Ngược lại, 1 ngày sau thông báo của CMA CGM, hãng tàu Hapag-Lloyd đã cho biết rằng bản thân hãng cũng đã giới hạn mức cước giao ngay trong những tuần gần đây, trong khi một lãnh đạo của ZIM nói với Splash trong ngày 13/9 rằng hãng tàu Israel này vẫn luôn định kỳ xem xét các vấn đề về cước vận chuyển, câu trả lời bỏ ngỏ khả năng liệu ZIM có động thái tương tự như CMA CGM hay không.

Cũng trong ngày 13/9, phát ngôn viên của Maersk, hãng tàu container lớn nhất thế giới, nói với Splash rằng định hướng của Maersk là đưa tỷ lệ cước theo hợp đồng dài hạn lớn hơn so với trước, hiện lượng hàng vận chuyển theo hợp đồng của Maersk đã tăng lên khoảng 60% trong tổng số booking.

Một báo cáo mới về vận tải biển của ngân hàng đầu tư Jefferies cho thấy rằng mặc dù thông báo từ CMA CGM có thể được xem là một động thái đầy thiện chí đối với chủ hàng và các cơ quan quản lý, nhưng thông báo này cũng có thể dẫn đến cách hiểu là booking vận chuyển trong Quý 4/2021 của CMA CGM đã gần như được bán hết và hãng tàu Pháp đang có động tác khuyến khích các chủ hàng ký các hợp đồng có thời hạn để hãng tàu có thể kéo dài chu kỳ lợi nhuận thay vì chính hãng tàu phải nỗ lực tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn hạn với cước giao ngay.

Các nhà phân tích của Jefferies nhấn mạnh: “Kể cả với động thái không tăng cước giao ngay này thì Quý 4 năm nay vẫn sẽ là một quý với những kết quả kinh doanh đạt kỷ lục của các hãng tàu”.

Bình luận trên mạng xã hội LinkedIn, ông Lars Jensen, Giám đốc điều hành của hãng tư vấn Vespucci Maritime, tin rằng quyết định của CMA CGM cho thấy hãng tàu Pháp có vẻ như sẽ quan tâm nhiều hơn đến những khách hàng đã ký hợp đồng với hãng và nhóm các khách hàng tiềm năng trong tương lai.

Ông Lars Jensen, chuyên gia hàng đầu về ngành vận tải container đường biển. Ông cho rằng CMA CGM đang có sự ưu tiên cho một số nhóm khách hàng nhất định.

Chuyên gia này cảnh báo, “Do đó, động thái của CMA CGM sẽ tạo ra lợi thế cho những chủ hàng có mối quan hệ tốt với hãng tàu và sẽ mang lại bất lợi cho các chủ hàng thường có sở thích săn booking trên thị trường cước giao ngay để tìm mức cước vận chuyển tốt nhất cho từng lô hàng riêng lẻ, và nhóm này thường là nhóm những chủ hàng nhỏ hơn”.

CMA-CGM vừa ghi nhận mức EBIT (lợi nhuận trước lãi vay và thuế) cao kỷ lục ở mức 3,81 tỷ USD trong quý 2/2021, mức lợi nhuận giúp hãng tàu này đi đúng hướng để có thể công bố kết quả kinh doanh hàng năm tốt nhất từ ​​trước đến nay.

Lợi nhuận bất thường của các hãng tàu quốc tế ghi nhận trong năm nay, kết hợp với độ tin cậy về lịch trình thấp khủng khiếp, đã thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý cạnh tranh toàn cầu.

Chia sẻ với Splash vào ngày 13/9, ông Sunny Ho, Giám đốc điều hành của Hội đồng chủ hàng Hồng Kông cảm thán, “Tình hình thị trường hiện tại thực sự khắc nghiệt – giá cước vận tải tăng chóng mặt, nhưng khả năng theo dõi đơn hàng và độ tin cậy trong lịch trình vận chuyển thì đã lại giảm xuống đến mức không thể tưởng tượng được. Rõ ràng là cần có các cơ chế quản lý mới để đảm bảo thị trường hoạt động bình thường và ổn định”.

Nền Logistix | Trung Tuân / Theo Splash247