Giãn cách tại Việt Nam khiến các nhà bán lẻ thay đổi chiến thuật chuỗi cung ứng

0
757
Đường phố TPHCM vắng lặng trong giai đoạn giãn cách xã hội. Việc doanh nghiệp phải giảm thiểu hoạt động sản xuất đã ảnh hưởng đến kế hoạch nhập hàng của các đại gia bán lẻ Mỹ.
  • Các thương hiệu và nhà bán lẻ đang thay đổi đơn hàng, địa điểm đặt hàng và triển vọng tài chính sau khi dịch COVID-19 dẫn đến phong tỏa kéo dài ở Việt Nam.
  • Các doanh nghiệp bao gồm Abercrombie & Fitch, Big Lots, Chico’s, Culp, Designer Brands và Lands ‘End dự kiến ​​sẽ bị ảnh hưởng về mặt tài chính, theo ghi nhận từ các hội nghị và hồ sơ tại SEC (Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ). Trong khi một số nhà bán lẻ có thể tìm được các nhà cung cấp thay thế, thì nhiều doanh nghiệp khác cho biết việc giao hàng chậm trễ sẽ khiến doanh số bán hàng của họ bị giảm sút.
  • Mệnh lệnh “ai ở đâu thì ở đó” đang được áp dụng trên khắp Việt Nam, bao gồm cả các khu vực trọng điểm về sản xuất.

Phòng mua hàng của các doanh nghiệp bán lẻ đang bắt đầu phát triển một cẩm nang để phòng khi các đợt phong tỏa sẽ hạn chế năng lực sản xuất của nhà cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp.

Hôm 26/8 vừa qua, ông Scott Lipesky, Giám đốc tài chính của đại gia bán lẻ Abercrombie & Fitch cho biết các đợt phong tỏa vừa qua do đại dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia đã dẫn đến sự chậm trễ trung bình từ một đến ba tuần đối với việc giao nhận hàng hóa, nhưng doanh nghiệp đang thích nghi bằng cách sử dụng giao nhận linh hoạt và vận tải hàng không, cùng với các chiến thuật khác.

Lipesky cho biết: “Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục tận dụng mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp của mình để đảm bảo cửa hàng của chúng tôi có thể nhận được sản phẩm nhanh nhất có thể sau khi các nhà máy mở cửa trở lại, đây là chiến lược tương tự như những gì đã được thực hiện ở các quốc gia khác.”

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng lạc quan được như Abercrombie & Fitch, nhiều nhà quản lý doanh nghiệp khác vẫn nhấn mạnh rằng sự đình trệ sản xuất kéo dài nhiều tuần liền và vấn đề giao hàng chậm trễ sẽ dẫn đến tình trạng các cửa hàng bán lẻ sẽ không có hàng, và tiếp theo đó, doanh thu sẽ giảm.

Ông Jonathan Ramsden, Giám đốc tài chính của Big Lots, cho biết việc đóng cửa các nhà máy ở Việt Nam khiến công ty mất đi khoản doanh thu 60 triệu USD “do những lô hàng mà chúng tôi biết là sẽ không về kịp để lên kệ trong mùa bán hàng thông thường.”

Những khó khăn từ Việt Nam đang chồng chất thêm lên các trục trặc trước đây trong chuỗi cung ứng hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Giám đốc tài chính Jared Poff của Designer Brands cho biết thương hiệu giày dép Camuto của họ có lượng đơn đặt hàng bị trì hoãn trong quý 3 trị giá đến 7 triệu USD do “nhu cầu tăng cao trong bối cảnh công suất nhà máy hạn chế trong mùa cao điểm, tình trạng cúp điện luân phiên, các vấn đề liên quan đến dịch COVID và thiếu lao động.”

Poff cho biết: “Chúng tôi dự báo nhiều sự dịch chuyển đơn hàng sẽ xảy ra từ quý 3 đến quý 4 năm nay dựa trên việc đóng cửa các nhà máy mà chúng tôi ghi nhận ở Việt Nam.

Manufacturing In Vietnam
Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

Tất cả bình luận trên đây của các doanh nghiệp bán lẻ đều đã được đưa ra trước khi Việt Nam tuyên bố sẽ gia hạn giãn cách xã hội tại TPHCM đến cuối tháng 9/2021.

Tuy nhiên, phạm vi phản ứng và chiến lược được áp dụng trong thời gian qua cho thấy các doanh nghiệp khác nhau khi rơi vào những tình huống tương tự nhau có thể triển khai các chiến thuật riêng biệt để quản lý chuỗi cung ứng của họ phù hợp để đối phó với các đợt phong tỏa liên quan đến đại dịch.

Một số công ty đã có thể chuyển hoạt động sản xuất ra bên ngoài Việt Nam để tránh việc chậm trễ giao hàng.

  • “Chúng tôi đã chuyển thành công 9% tổng sản lượng của mình từ Việt Nam sang các nước khác”, Molly Langenstein, Giám đốc điều hành của Chico’s, cho biết trong hội nghị trực tuyến ngày 31 tháng 8.
  • Nhà sản xuất gậy đánh golf Callaway “đã có thể giảm thiểu một phần đáng kể sự gián đoạn chuỗi cung ứng tại Việt Nam trong quý 3 bằng cách chuyển một phần năng lực sản xuất sang các nhà cung cấp không đến từ Việt Nam”, công ty cho biết trong hồ sơ gửi lên SEC.
  • Công ty nệm Culp đã báo cáo với SEC rằng “hoạt động sản xuất linh hoạt tại châu Á và sự bổ sung công suất từ tại Haiti trong thời gian tới của Culp, cũng như mối quan hệ nhà cung cấp lâu dài và chiến lược định hướng theo sản phẩm (product-driven) của chúng tôi” là các chiến thuật mà công ty sẽ sử dụng để giải quyết những thách thức về nguồn cung trong hoạt động kinh doanh nệm.

Sheng Lu, Giáo sư dự bị (associate professor) tại khoa nghiên cứu thời trang và may mặc của Đại học Delaware, cho biết có ba yếu tố có thể ảnh hưởng đến chiến lược mà doanh nghiệp lựa chọn để giảm thiểu ảnh hưởng từ tình trạng phong tỏa:

  1. Mức độ đa dạng hóa nguồn cung ứng của doanh nghiệp. Phụ thuộc chủ yếu vào một nhà cung cấp có nghĩa là rủi ro sẽ rất cao một khi nhà cung cấp này ngừng hoạt động.
  2. Số lượng danh mục sản phẩm và đơn vị phân loại hàng tồn kho (SKU) của một thương hiệu. Chuỗi cung ứng càng phức tạp thì càng khó thực hiện những thay đổi trên diện rộng.
  3. Giá bán sản phẩm. Nếu một công ty bán sản phẩm với giá cao hơn, họ có thể hấp thụ chi phí tìm nguồn cung cao hơn, và do đó có nhiều lựa chọn hơn khi có vấn đề xảy ra.

Giáo sư Lu lấy ví dụ từ chính ngành giày dép và may mặc. Các công ty giày dép như Designer Brands phụ thuộc nhiều hơn vào Việt Nam so với các công ty thời trang như Abercrombie & Fitch (do các công ty thời trang có nhiều lựa chọn về nguồn hàng nhập khẩu hơn, trong khi các doanh nghiệp giày dép chỉ có 3 quốc gia chính để nhập hàng là Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam), và các nhà bán lẻ chuyên bán các mặt hàng giá cao như Chico’s có thể có nguồn cung ứng linh hoạt hơn trong nhờ lợi nhuận cao trên từng sản phẩm của họ.

Nhập khẩu giày dép của Mỹ phụ thuộc rất lớn vào sản xuất từ 3 nước châu Á: Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia.

Đối với Giáo sư Lu, loạt nghiên cứu điển hình về hoạt động mua hàng của doanh nghiệp đã cung cấp bài học về cách quản lý chuỗi cung ứng nếu sự bùng phát của COVID-19 và các động thái phong tỏa vẫn tiếp tục tồn tại trong bức tranh kinh tế về lâu dài.

Lu nói: “Doanh nghiệp không chỉ phải tính đến việc giảm sự phụ thuộc vào châu Á mà còn phải thực sự cân nhắc cần phải làm gì để cải thiện tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng”.

Nền Logistics | Trung Tuân / Theo Supply Chain Dive