Đại dịch COVID-19 khiến các lô hàng mất gấp đôi thời gian để hoàn thành quãng đường vận chuyển

0
1389
Cảng Long Beach tại Mỹ là một trong những cảng container đã chịu tình trạng ùn tắc nghiêm trọng trong thời gian qua.

Dữ liệu mới được công bố cho biết các container thông thường mất tổng thời gian bao nhiêu ngày để hoàn thành quãng đường vận chuyển trên các tuyến hàng hải Đông-Tây, và qua đó giúp giải thích tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trên toàn thế giới trong năm 2021 vừa qua.

Flexport, doanh nghiệp có trụ sở tại San Francisco, chuyên về giao nhận hàng hóa và môi giới hải quan, cung cấp một chỉ số đo lường hàng tuần được gọi là Chỉ số Đúng lịch trong vận tải biển (Ocean Timeliness Indicator, OTI), chỉ số này tính mốc thời gian từ lúc nhà xuất khẩu có hàng hóa sẵn sàng cho đến khi nhà nhập khẩu nhận được hàng, kết thúc quá trình vận chuyển.

Trên hành trình xuyên Thái Bình Dương theo chiều châu Á – Bắc Mỹ, thời gian vận chuyển trung bình vào năm 2019 (năm trước đại dịch) là 45 đến 50 ngày. Còn với lần công bố gần đây nhất vào ngày 2/1/2022, một kỷ lục mới của chỉ số OTI đã được xác lập, các lô hàng sẽ được vận chuyển trong vòng 110 ngày mới đến được địa điểm nhận hàng.

Tổng thời gian vận chuyển các lô hàng trên các tuyến hàng hải chính đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đại dịch.

Tương tự, đối với tuyến hàng hải châu Á – châu Âu, thời gian vận chuyển trung bình trước đại dịch là khoảng 55 đến 60 ngày, trong khi con số ghi nhận vào ngày 2/1 vừa qua là 108 ngày.

Các nhà phân tích từ tổ chức tư vấn Sea-Intelligence chỉ ra trong báo cáo hàng tuần mới nhất rằng: “Thời gian vận chuyển tăng lên mức quá cao dẫn đến sự gia tăng tương ứng về nhu cầu container rỗng – đơn giản vì mỗi container phải chở hàng lâu hơn bình thường rất nhiều”.

Dữ liệu của Sea-Intelligence thì cho thấy trước đại dịch, lượng tàu bị trễ lịch có sức chở chiếm 2% tổng năng lực vận chuyển của đội tàu container thế giới, con số này đã tăng vọt lên 11% vào năm 2021.

Nếu số lượng tàu bị trễ lịch tăng cao, thì các hãng tàu sẽ thuê các con tàu mới để vận chuyển lượng hàng hóa chưa được chuyển theo kế hoạch. Và nếu năng lực vận chuyển các con tàu đang nằm không (idle) là ít hơn so với nhu cầu của các hãng tàu, thì chủ tàu sẽ đẩy cước thuê tàu lên cao để thu lợi nhuận, điều này khiến hãng tàu nào thuê được các tàu để vận chuyển sẽ buộc phải tăng giá cước.

Đáng lưu ý, các chỉ số được ghi nhận trong đầu năm 2022 cho thấy tình trạng tắc nghẽn toàn cầu còn lâu mới được cải thiện.

Sea-Intelligence cảnh báo: “Tất cả dữ liệu hiện được công bố đều cho thấy các vấn đề ùn tắc và thắt nút cổ chai đang trở nên tồi tệ hơn khi bước vào năm 2022.”

Cước vận tải biển sẽ chịu tác động tiêu cực, một báo cáo mới về vận tải biển từ ngân hàng đầu tư Jefferies công bố trong ngày hôm nay (10/1/2022), nhận định “Tình trạng tắc nghẽn và kém hiệu quả của nhiều cảng là một vấn nạn vẫn đang tiếp tục diễn ra, và là tác nhân của nhiều vấn đề khác, từ việc những con tàu phải chạy chậm (do chạy nhanh thì đến nơi cũng không có chỗ cập làm hàng), tàu chuyển hướng đến các cảng khác so với kế hoạch ban đầu, container chậm lưu chuyển và thời gian xếp dỡ hàng lâu hơn. Đại dịch COVID-19 thì lại vẫn đang thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều vào hàng hóa và chúng tôi tin rằng cước vận chuyển sẽ đạt mức cao kỷ lục mới trong những tuần tới ”.

NỀN Logistix | Trung Tuân / Theo Splash247