Tắc nghẽn lan rộng ra nhiều cảng cửa ngõ của Mỹ

0
1555
Cảng Charleston là một trong những cảng container ở Mỹ gặp phải khó khăn trong tiếp nhận hàng hóa gần đây.

Tình trạng tắc nghẽn cảng đang lan rộng trên toàn nước Mỹ, làm gia tăng nguy cơ kéo dài thời gian chậm trễ giao hàng và tăng chi phí cho các nhà nhập khẩu vốn đang phải tìm cách giải quyết các nút thắt cổ chai tại khu cảng cửa ngõ lớn ở phía Nam bang California.

Các tàu container đang phải xếp hàng dài tại khu vực bờ biển từ Oakland (bang California) đến Charleston (bang Nam Carolina) do lượng container xếp dỡ tại cảng đạt mức cao kỷ lục, kết hợp với tình trạng thiếu nhân công do biến thể Omicron lan truyền nhanh gây ra.

Cảng Oakland cũng đang hoạt động rất căng thẳng.

Ông Nathan Strang, Giám đốc mảng Kinh doanh đường biển tại Flexport, một doanh nghiệp giao nhận hàng hóa có trụ sở tại San Francisco, cho biết: “Thật vô cùng khó chịu khi là một nhà nhập khẩu ngay tại thời điểm này. Mọi người đều muốn tìm một van xả (relief valve) để xả hết áp lực đang phải gánh chịu, trong khi đó thì tất cả các van xả đều đã được sử dụng rồi.”

Trong suốt giai đoạn đại dịch trước đó, lượng tàu chở hàng quá nhiều và gây khó khăn cho hoạt động của các cảng của Hoa Kỳ thường chủ yếu tập trung dọc theo bờ biển phía Tây. Nhưng tình hình đang tệ hơn, ông Niels Madsen, Phó Chủ tịch của hãng tư vấn Sea-Intelligence có trụ sở tại Đan Mạch, cho biết sự gia tăng các lượng tàu chờ tại các cảng Bờ Đông cho thấy tình trạng tắc nghẽn rõ ràng là đang trở nên tồi tệ hơn trên toàn nước Mỹ.

Theo dữ liệu mà các cảng công bố, thì thời gian chờ cầu trung bình ở cảng New York và New Jersey (2 cảng nhộn nhịp nhất ở Bờ Đông), đã kéo dài lên 4,2 ngày vào giai đoạn cuối tháng 1/2022, trong khi đó con số ghi nhận đúng 1 năm trước (tháng 1/2021) chỉ là 1,6 ngày. Tại cảng Charleston hôm 27/1 vừa qua, một nhóm gồm 19 tàu container đang phải neo ngoài khơi chờ cầu bến làm hàng.

Số phận của cảng New York/New Jersey ở bờ Đông là không khá hơn.

Các quan chức cảng New Jersey nói rằng tắc nghẽn tại cảng là do thiếu công nhân làm hàng, và nguyên nhân của sự thiếu hụt này thì lại liên quan đến Covid-19. Quan chức cảng Charleston thì cho biết lượng tàu chờ cầu quá nhiều chủ yếu là do lượng hàng nhập khẩu tăng đột biến đã làm tắc nghẽn các khu bến cảng, khiến cảng giảm khả năng tiếp nhận container hàng nhập.

Theo công ty phân tích chuỗi cung ứng project44, số lượng container phải chờ hơn 15 ngày để xe tải đến nhận tại Charleston, cửa ngõ nhập khẩu container lớn thứ tám của Mỹ, đã vượt quá 7.000 container trong cuối tháng 1/2022, tăng đến 40% so với một tháng trước đó. Lãnh đạo cảng Charleston cho rằng có thể mất đến sáu tuần để giải quyết hết lượng hàng tồn đọng.

Cảng Savannah (bang Georgia) cho biết trong tháng 1/2022, cảng đã giải quyết được hết cho các tàu chờ cầu bến, vốn đã tăng lên hơn 20 tàu vào cuối năm ngoái. Ông Griff Lynch, Giám đốc điều hành của Chính quyền cảng Georgia, đơn vị điều hành cảng Savannah, cho biết cơ quan chức năng đã mở rộng các địa điểm lưu trữ container mới, bao gồm các cơ sở chỉ mang tính tạm thời, để tạo thêm dung lượng bãi cần thiết tại bến cảng có thể tiếp nhận thêm hàng nhập từ các tàu.

Trong khi đó, các cảng ở Bờ Tây thì vẫn đang ngập trong khó khăn. Tại cảng Oakland vào ngày 27/1, có đến 15 tàu container đang phải chờ cầu bến. Các quan chức cảng Oakland cho rằng việc các tàu phải chờ cầu bến là do hàng nghìn container rỗng đã lấp đầy các bến cảng và đang chờ xếp lên tàu quay trở lại châu Á, lượng container rỗng này khiến bãi chật kín và giảm năng lực tiếp nhận các container hàng nhập từ tàu.

Còn cảng Los Angeles và Long Beach, bộ đôi tạo nên khu cảng container nhộn nhịp nhất nước Mỹ, đã phải vật lộn để xử lý lượng container kỷ lục trong vòng hơn một năm qua. Lượng tàu chờ vào cảng đã duy trì ở con số rất cao là trên 100 tàu trong gần hai tháng ròng rã, mặc dù chính quyền cảng và cả chính quyền Liên bang đã rất nỗ lực giải quyết lượng tàu này. Các nhà chức trách ở LA/LB cho biết vào một thời điểm đầu tháng 1/2022, có khoảng 800 công nhân, tương đương 10% lượng lao động tại cảng, đã không thể làm việc vì các lý do liên quan đến dịch Covid.

Nhưng kẹt “te tua” nhất thì vẫn là cảng Los Angeles/Long Beach, có những thời điểm hơn 100 tàu nằm chờ cầu.

Tổng lượng hàng nhập khẩu tại các cảng khu vực Nam California trong tháng 12/2021 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 18 tháng do các bến cảng, các doanh nghiệp vận tải và hệ thống các nhà kho ở vùng hậu phương phải xoay sở tối đa để đưa được các container vào nội địa.

Peter Sand, Phân tích trưởng của Xeneta, một doanh nghiệp có trụ sở tại Na Uy chuyên cung cấp và xử lý dữ liệu trong lĩnh vực vận tải, cho biết căng thẳng tại các nút thắt cổ chai đang làm giảm năng lực vận chuyển và góp phần làm tăng giá cước vận tải biển. Theo ghi nhận của Xeneta, cước giao ngay cơ bản (Base spot rate) để vận chuyển một container 40 feet từ Đông và Đông Nam Á (nguyên văn: Far East) đến các cảng Hoa Kỳ đạt mức cao nhất của đại dịch trong tháng 1/2022.

Mức cước trung bình cho các tuyến đi Bờ Đông hiện đang ở mức khoảng 12.000 USD/FEU, tăng từ ngưỡng 3.000 USD vào đầu năm 2020. Mức cước đi Bờ Tây hiện rơi vào khoảng 8.500 USD/FEU, tăng 467% so với tháng 1/2020.

NỀN Logistix | Đặng Dương / Theo Wall Street Journal