Cảng cạn lớn nhất thế giới trở thành nạn nhân tiếp theo của chiến lược zero-Covid

0
1185
Cảng Nanjing là cảng cạn lớn nhất thế giới.

Tắc nghẽn hoạt động vận tải đường bộ trên khắp Trung Quốc đang tàn phá chuỗi cung ứng bất chấp các sáng kiến ​​từ cơ quan chính quyền cấp địa phương và cấp quốc gia nhằm hạ nhiệt tình hình. Và trong lúc này thì Nam Kinh (Nanjing), cảng nội địa lớn nhất thế giới, đã trở thành cảng mới nhất ghi nhận ca nhiễm Covid trong lực lượng lao động của cảng, dẫn đến nhiều hoạt động tại bến cảng nằm trên bờ sông Trường Giang này bị gián đoạn. Do tình trạng thiếu hoa tiêu, tình hình giao thông đường thủy trên luồng sông Trường Giang vốn đã khá khó khăn từ trước khi tin tức về cảng Nam Kinh được công bố, thách thức càng trở nên trầm trọng hơn khi nhiều thành phố khác ở khu vực đồng bằng con sông này đã theo chân Thành phố Thượng Hải, rơi vào tình trạng phong tỏa trong tuần này.

Geodis, Tập đoàn logistics đến từ Pháp đã báo cáo rằng kể từ ngày 13/4, dịch vụ vận tải đường bộ ở Thượng Hải, Kunshan, Taicang và Nantong đã bị dừng lại sau khi lệnh phong tỏa tại các địa phương này được gia hạn. Geodis dự kiến sự đình trệ sẽ mở rộng tại khu vực đồng bằng sông Trường Giang, cũng như ở các địa phươn khác như Wuxi, Suzhou và Jiaxing.

Do dịch Covid tàn phá, năng lực cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ trên phần lớn Trung Quốc đã chịu những hạn chế nhất định, và điều này kéo theo mức ​​giá cho dịch vụ này tăng hơn gấp ba lần trong năm nay. Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, vận chuyển bằng xe tải là chủ đạo trong giao thông nội địa của Trung Quốc, với khối lượng chiếm khoảng 3/4 tổng lượng hàng hóa vận chuyển.

Thảo luận về việc phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải trên GMS Podcast vào đầu tuần này, Peter Sand, nhà phân tích trưởng của Xeneta, cho biết: “Chúng tôi (Xeneta) ghi nhận hoạt động xuất khẩu vẫn đang khá ổn, tuy nhiên nhập khẩu hàng hóa đã hoàn toàn dừng lại vì các tài xế xe tải không thể ra vào cảng được”.

Cũng vào đầu tuần, Bắc Kinh đã ra lệnh cho tất cả các chính quyền cấp tỉnh phải giữ cho các sân bay, bến cảng và đường cao tốc tiếp tục hoạt động để có thể duy trì các chuỗi vận tải và logistics trong bối cảnh các địa phương đưa ra những biện pháp kiểm soát rất chặt chẽ để chống đại dịch.

Trong bối cảnh có nhiều báo cáo về việc các địa phương chặn đường cao tốc và năng lực vận tải đường bộ bị hạn chế, Quốc vụ viện – Cơ quan hành pháp cao nhất Trung Quốc – vào tối 11/3 đã nhấn mạnh rằng chính quyền địa phương không được dựng rào chắn đường bộ hoặc đưa những tài xế xe tải khỏe mạnh vào diện phải cách ly.

Ở cấp địa phương, các tỉnh đang cố gắng đưa ra các biện pháp để tạo điều kiện cho hàng hóa di chuyển bằng đường bộ dễ dàng hơn. Ví dụ, ở Chiết Giang (Zhejiang), nơi có cảng biển lớn nhất thế giới là cảng Ninh Ba (Ningbo), Sở giao thông vận tải tỉnh đang tạo 82 trạm dịch vụ phòng chống dịch bệnh cho tài xế xe tải để giúp các chuyến hành trình dễ dàng hơn.

Tại các trạm này, tài xế xe tải ở các khu vực trọng yếu bên ngoài tỉnh, chẳng hạn như từ Thượng Hải, có thể được bố trí chỗ ở, ăn uống, bãi đậu xe, xét nghiệm kháng nguyên, khử trùng xe và các dịch vụ khác.

Tại Ningbo, nơi các ca nhiễm Covid đang tăng lên, Geodis nhận định rằng tất cả các kho chứa hàng hiện không còn bao nhiêu chỗ trống, thành phố cảng này đã tràn ngập hàng hóa vốn chuyển hướng từ Thượng Hải, địa phương chịu phong tỏa nghiêm ngặt từ đầu tháng 4, trong khi các báo cáo từ địa phương cũng cho thấy Chính quyền thành phố Ningbo đã mua thêm thực phẩm bổ sung trong tuần này để chuẩn bị cho tình huống có thể bị phong tỏa bất cứ lúc nào.

Bến cảng Yangshan (Dương Sơn) tại Thành phố Thượng Hải. Cảng Thượng Hải là cảng container lớn nhất thế giới trong những năm qua.

Tin cập nhật được đăng vào ngày 11/4 từ doanh nghiệp logistics Woodland Group của Vương quốc Anh cho biết: “Trong khi Thượng Hải hoàn toàn bị phong tỏa, Ningbo hiện đang ở trong tình trạng‘ báo động vàng’ với việc phát hiện ra một số ca nhiễm. Các nhà kho ở Beilun thì đã đầy do Thượng Hải phong tỏa và điều này đang gây ra tình trạng tắc nghẽn ở Ningbo. Chỗ lưu kho đang hạn chế dần và các loại container 40′ & 40HC cũng đang khan hiếm”.

Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc (EUCCC)  tuần trước đã gửi một lá thư tới Quốc vụ viện nêu chi tiết về cách mà các biện pháp kiểm soát Covid-19 của Bắc Kinh đã làm gián đoạn hoạt động của các công ty Châu Âu, thư được gửi đến cho Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa.

Logo
EUCCC là tổ chức đại diện cho tiếng nói của nhiều doanh nghiệp châu Âu lớn tại Trung Quốc

Trong thư, Phòng thương mại cho rằng “những biện pháp trước đây như xét nghiệm hàng loạt và cách ly không thể giải quyết được những thách thức do biến thể omicron đặt ra”.

“Các biện pháp được thực hiện để cố gắng ngăn chặn sự bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc đang gây ra những gián đoạn đáng kể, từ hoạt động logistics và sản xuất dọc theo chuỗi cung ứng ngay từ bên trong Trung Quốc,” thư được ký bởi ông Jorg Wuttke, Chủ tịch EUCCC.

Các đợt phong tỏa kéo dài trên khắp Trung Quốc đã gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia khi hầu hết các tổ chức phân tích đều hạ mức dự báo về tăng trưởng GDP trong năm nay. Trong tháng 3, chính quyền Trung Quốc thông tin rằng GDP của nước này dự kiến ​​sẽ tăng trưởng ở mức 5,5% vào năm 2022, mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua. Nhưng ngay cả mục tiêu tương đối khiêm tốn này cũng đã bị nghi ngờ trong nhiều bài báo từ các phương tiện truyền thông nhà nước qua những ngày gần đây.

Doanh số bán xe máy xúc (excavator) trong nước – một chỉ số hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng – đã giảm gần 64% trong tháng 3 so với cùng kỳ một năm trước. Doanh số bán loại xe này đã được chứng minh là một chỉ số tốt phản ánh hoạt động xây dựng và nhu cầu thép trong quá khứ.

NỀN Logistix | Trung Tuân / Theo Splash247