Hợp lực, đột phá để phát triển cảng biển: Cần xem xét trên cơ sở quy hoạch vùng

0
645
Cảng Gemalink là một trong những bến cảng nước sâu lớn nhất tại khu vực cảng Cái Mép.

Việc hình thành ít nhất 2 cụm cảng lớn ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam có khả năng cạnh tranh với các cảng trong khu vực như Cao Hùng (lãnh thổ Đài Loan) hay Singapore không chỉ là cần thiết, mà gần như là nhiệm vụ bắt buộc. Nhưng trước khi đề cập đến việc xây dựng một “siêu cảng biển” vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đó là quan điểm được TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chia sẻ.

– PHÓNG VIÊNThưa ông, Báo SGGP vừa đăng vệt bài “Hợp lực, đột phá để phát triển cảng biển”, trong đó có thông tin Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đang đề xuất đầu tư thêm 1 cảng mới với quy mô rất lớn ở khu vực cảng biển TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương. Ông có bình luận gì về đề xuất này? 

– TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Trước hết, phải khẳng định, nguyên tắc là đầu tư cảng hay không, ở đâu, lúc nào là do thị trường và doanh nghiệp quyết định. Chính phủ chỉ tạo điều kiện chứ không can thiệp vào quyết định đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Tôi vẫn chưa rõ doanh nghiệp đưa ra đề xuất dựa trên những cơ sở nào, nên rất khó để đưa ra nhận định cụ thể.

Hợp lực, đột phá để phát triển cảng biển: Cần xem xét trên cơ sở quy hoạch vùng ảnh 1
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Nhưng bước đầu có thể thấy, để đưa đất nước trở thành một quốc gia công nghiệp với thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thì với cơ cấu nền kinh tế như hiện nay, ước tính kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam phải đạt khoảng 1.200-1.400 tỷ USD/năm. Mà để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế lên mức đó thì việc hình thành các cụm cảng lớn có khả năng cạnh tranh với các cảng trong khu vực như Cao Hùng (lãnh thổ Đài Loan) hay Singapore không chỉ là cần thiết, mà hầu như là nhiệm vụ bắt buộc.

– Cũng có ý kiến băn khoăn rằng, ở khu vực phía Nam hiện nay đã có hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải, Cát Lái, Hiệp Phước cùng 1 số cảng nhỏ khác nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bình Dương chưa khai thác hết công suất, nên việc xây dựng thêm một “siêu cảng” ở Cần Giờ – TPHCM như doanh nghiệp dự tính (mà một trong những lý do là để củng cố và phát huy giá trị thương hiệu cảng Sài Gòn) lúc này chưa thích hợp. Quan điểm của ông thế nào? 

– Tôi cũng cho rằng cần cân nhắc thêm rất kỹ, nhưng không phải vì bây giờ chưa khai thác hết công suất thì chưa nên xây thêm. Cũng không đúng nếu tính toán xây “siêu cảng” ở Cần Giờ với lý do phát huy thương hiệu cảng Sài Gòn. Cách nghĩ đó không phải là tư duy “kỹ trị”. Cảng cần phải nằm ở vị trí thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khai thác và phải có hạ tầng logistics đi kèm. Nhiều năm qua có một thực tế đáng buồn là chúng ta mới chỉ chú trọng đầu tư cảng mà không bố trí hạ tầng phù hợp kèm theo để đảm bảo cho cảng vận hành hiệu quả. Ngay cả cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải cũng thế, chưa có kho hàng tương xứng, chưa kết nối vận tải đường sắt…

TCTT_don_chuyen_tau_dau_tien_CULines_tuyen_dich_vu_CES
Cảng Tân Cảng Cái Mép – Thị Vải (TCTT) đón tuyến dịch vụ đi châu Âu của hãng tàu CU Lines. Nguồn ảnh: Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn

Để xác định làm cảng ở đâu thì phải căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, cả vùng nói chung và quy hoạch của TPHCM nói riêng, đặc biệt là quy hoạch phát triển khu vực Cần Giờ. Xét từ góc độ TPHCM, nếu địa phương này quyết định chuyển hoạt động công nghiệp sang phía Cần Giờ thì cảng xây dựng ở đấy là đúng, còn nếu quy hoạch Cần Giờ để phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ chẳng hạn, thì việc xây dựng cảng ở đấy là không hợp lý. 

Tóm lại, phải phân tích bài toán kinh tế – xã hội – môi trường, chẳng hạn như giữa nâng cấp cảng Cái Mép – Thị Vải thì hơn, hay là đầu tư cảng mới, nôm na là “dịch chuyển” cảng Sài Gòn lần thứ 2 (lần đầu từ Khánh Hội ra Hiệp Phước, bây giờ tiếp tục từ Hiệp Phước ra Cần Giờ). Một phương án khác cũng có thể cân nhắc là bán cổ phần cho liên doanh để họ có điều kiện cải tạo, vận hành, tăng cường hiệu quả khai thác, chưa nhất thiết phải xây mới.

Cần nói rằng, quỹ đất của TPHCM không còn nhiều, rất cần được tính toán để sử dụng một cách khoa học, tiết kiệm nhất. Có thể tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước phát triển như thiết kế bến “càng cua” để tàu cập vào các cầu cảng (thay vì cắm thẳng vào bờ sông) để nâng cao hiệu quả khai thác với cùng một chiều dài dải bờ sông/biển. 

Đứng về mặt kinh tế kỹ thuật mà nói, tôi cho rằng, đưa ra đề xuất xây “siêu cảng” ở Cần Giờ ngay thời điểm này mà không có câu trả lời thấu đáo cho các vấn đề trên là còn quá sớm.

– Ông muốn nói là việc xây dựng “siêu cảng” thì cần thiết, nhưng chưa thể xác định ngay là ở Cần Giờ? 

– Không phải cụ thể là Cần Giờ, mà bất cứ ở địa điểm nào cũng thế, cần phải có đánh giá kỹ lưỡng. Cảng biển là một thiết chế hạ tầng quan trọng, phục vụ cho cả nền kinh tế, đặt ở địa phương nào thì địa phương đó có trách nhiệm phối hợp quản lý vận hành. Riêng với Cần Giờ, cần lưu ý thêm là với nền đất yếu, chi phí làm đường, làm cầu (để tiếp cận cảng) sẽ rất lớn.

Đây là vấn đề đã xuất hiện với cảng Lạch Huyện ở Hải Phòng. Chính vì thế mà một số chuyên gia đã đề xuất thay đổi công suất thiết kế của Lạch Huyện, chỉ làm 4-6 bến thay vì 12 bến như thiết kế ban đầu; đồng thời xem xét việc phát triển cảng biển Nam Đồ Sơn, cảng sông Văn Úc… 

Cuối cùng, tôi cho rằng thuật ngữ “siêu cảng” cần được sử dụng thận trọng, vì nó khá định tính.

– TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM:
Tại huyện Cần Giờ (TPHCM), việc phát triển cảng tôi nghĩ là cần thiết, song tôi cũng e ngại. Thứ nhất, chúng ta đã quy hoạch hệ thống logistics hậu cần chung cho cả vùng phía Nam này, thể hiện rõ nhu cầu giữa các cảng với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tôi cũng băn khoăn là người ta thấy chỗ đất tốt, nước tốt thì sẽ làm cảng. Trong khi đó,  cung đường để tiếp cận vào cảng như thế nào, đường để giải tỏa hàng hóa từ cảng đi như thế nào, thì chưa thấy rõ, chưa thấy quy hoạch nào về điều này. Hay chỉ là trung chuyển giữa tàu với tàu thôi, tức là không có chuyện chở hàng vào nội địa nữa. Theo tôi, cần làm rõ nội dung này khi đề xuất đầu tư cảng. 
Thứ hai, phải xem lại quy hoạch cảng biển của Bộ GTVT đã làm. Quy hoạch nhóm cảng 4, mới chỉ có cảng biển phía Cái Mép thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giờ đặt thêm cảng phía Cần Giờ (TPHCM) có làm thay đổi quy hoạch và phải điều chỉnh quy hoạch? Điều này cũng phải tính lại, phải xem lại hiệu quả khai thác. Việt Nam rất nhiều cảng, trong khi đó thì nhiều nơi khai thác không hết công suất. Ngoài ra, còn phải tính toán ảnh hưởng của cảng lớn đến đô thị sinh thái Cần Giờ. Làm cảng thì được, nhưng tôi nghĩ phải trả lời thỏa đáng các câu hỏi trên.
ĐỨC TRUNG 
– Ông HOÀNG MINH TRÍ, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM:
TPHCM đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM. Theo tôi, đây là cơ hội để thành phố cùng các địa phương, các bộ ngành trung ương rà soát lại việc thực hiện quy hoạch hệ thống cảng biển trên địa bàn thành phố và cả cụm cảng số 4. Trên cơ sở rà soát này và cân đối với các yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội – môi trường sẽ đưa ra quyết định nên hay không nên xây dựng “siêu cảng”.
Nếu chỉ lấy tiêu chí tác động đến môi trường khu vực Cần Giờ để phân tích thì khu vực dự định làm “siêu cảng” tại cù lao Phú Lợi với kế hoạch vận chuyển container đến đây bằng đường thủy nội địa và đường ven biển từ miền Tây, miền Đông Nam bộ cũng như từ nhiều tuyến đường biển khác tới thì chắc chắn sẽ ít gây ô nhiễm môi trường cho khu vực này như phát triển đô thị. Chưa kể, phát triển đô thị ở đây với đê chắn sóng ngoài biển cách xa bờ hàng trăm mét chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng chảy của biển Cần Giờ.
Thế nhưng, trên hết, trước khi triển khai thực hiện dự án xây dựng “siêu cảng” tại cù lao Phú Lợi, cần nghiên cứu kỹ các nội dung về môi trường sẽ ảnh hưởng đến khu vực biển Cần Giờ; dòng chảy của biển khu vực này. Luồng lạch đường thủy nội địa, ven biển khi đầu tư “siêu cảng” có làm biến động gì không khi lưu lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy tăng lên nhiều lần so với hiện tại? 

Theo SGGP Online