Vai trò ngày càng tăng của nhóm tổ chức tư nhân trong ngành hàng hải

0
425

Bài viết thể hiện góc nhìn của ông Manish Singh, một chuyên gia hàng hải, hiện là Giám đốc Điều hành của Ocean Technologies Group, tập đoàn chuyên về giải pháp công nghệ hàng hải có trụ sở tại Luân Đôn, Anh. Từ tháng 9/2012 đến tháng 2/2019, ông là Chủ tịch của Học viện Giao thông Cambridge.

Ông Manish Singh

Với sự tham gia vào ngành hàng hải của các tổ chức tư nhân (private equity institutions, PE) ngày càng đa dạng trong vài thập kỷ qua, người viết thường nhận được câu hỏi rằng liệu PE là động lực tốt hay là đối tác khó đoán định đối với ngành hàng hải.

Tôi vẫn luôn là người ủng hộ mạnh mẽ việc PE tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực hàng hải trong bối cảnh mà ngành này đang trải qua một sự thay đổi thế hệ (generational change), cụ thể là ở các hạng mục cơ sở hạ tầng, trọng tải tàu, công nghệ hoặc trong các dịch vụ hỗ trợ.

Một lượng lớn các doanh nghiệp hàng hải dẫn đầu lĩnh vực mà họ đã kinh doanh trong ngành hiện vẫn thuộc quyền sở hữu của gia đình hoặc doanh nhân thế hệ thứ nhất. Một con số đáng kể trong số các doanh nghiệp này vẫn được dẫn dắt bởi các CEO sáng lập, tuổi thì đã cao và chưa có kế hoạch rõ ràng về việc chọn người kế nhiệm hoặc chuyển giao quyền lực trong tương lai. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong thế giới hàng hải trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 và tiền thời kỳ khử cacbon trong ngành vận tải biển (pre-decarbonisation), phần lớn các doanh nghiệp đang rất cần cả đội ngũ lãnh đạo sẵn sàng cho tương lai và những sự đầu tư đáng kể để chuyển đổi sang các mô hình hoạt động mới.

Một trong những điểm nghẽn quan trọng đối với việc áp dụng công nghệ trong thế giới hàng hải là mức độ phân mảng cao trong hầu hết các bộ phận của ngành. Điều này cũng thể hiện ở khả năng chênh lệch đáng kể giữa những doanh nghiệp có hiệu suất cao nhất và kém nhất trong mọi bộ phận của ngành. Là một phần của việc hướng đến Chiến lược ‘Hàng hải 2050’*, bản thân ngành sẽ cần đầu tư và tiêu chuẩn hóa, những nội dung đòi hỏi quy mô kinh tế lớn hơn và sự hợp nhất cao hơn. Và các tổ chức tư nhân nổi lên như một tác nhân quan trọng trong việc hợp nhất và chuyển đổi các doanh nghiệp hàng hải.

Bằng cách tập trung vào việc lựa chọn tích cực, PE sẽ định hướng đầu tư vào các doanh nghiệp phù hợp nhất và có khả năng mở rộng cao nhất trong các thị trường mà các PE đã chọn. Bằng cách hỗ trợ ‘doanh nhân thường trực’ (entrepreneurs in residence) trong các doanh nghiệp như vậy, PE đang giúp nuôi dưỡng các nhóm doanh nhân trong tương lai để kế thừa những nhà lãnh đạo đã dẫn đầu ngành trong những thập kỷ gần đây. Ngoài ra, với cách tiếp cận khách quan và kỷ luật cao, các tổ chức tư nhân đã buộc nhiều doanh nghiệp từ bỏ cách thức cục bộ trước đây (nguyên văn: ‘way we do things here’), mở đường cho các mô hình hoạt động mới và tính hiệu quả cao hơn.

Thừa nhận những ngoại lệ đáng chú ý cần ghi nhận trong thế giới hàng hải, thì những rủi ro với các doanh nghiệp tư nhân / gia đình bao gồm tốc độ thay đổi có thể thấp hơn, việc triển khai tiền mặt dưới mức tối ưu để giúp doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng trong tương lai, và các cơ hội hạn chế để các nhà quản lý doanh nghiệp thu được ‘da thịt trong cuộc chơi’**. Ở đầu bên kia của nhóm các doanh nghiệp trong ngành chính là các công ty niêm yết lớn. Vài thập kỷ qua cũng đã chứng kiến ​​những cuộc trỗi dậy ngoạn mục của các tập đoàn hàng hải niêm yết đại chúng (public listed maritime corporations, PLC). Trong khi PLC vẫn là cấu trúc doanh nghiệp có khả năng mở rộng và bao trùm nhất, một thị trường biến động như hàng hải thường bị trừng phạt không công bằng từ những cú sốc ngắn hạn và nhiều loại rủi ro khác nhau, và cả khung thời gian đầu tư điển hình của các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu đại chúng. Vì vậy, không phải tất cả các doanh nghiệp hàng hải đều thích hợp để phát triển mạnh với cấu trúc PLC trong thời gian gần trung hạn.

Vì vậy, PE dường như là một mảnh ghép rất quan trọng trong bức tranh của ngành, vì PE sẽ kề vai sát cánh với các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp niêm yết để đầu tư vốn và mang lại sự thay đổi mà ngành hàng hải cần phải trải qua. Sự đầu tư này sẽ kéo dài từ dòng vốn vào các công nghệ xanh mới, phương tiện vận chuyển giảm phát thải carbon, giải quyết vấn đề công nghệ trong nhiều lĩnh vực của ngành, thúc đẩy một nền kinh tế khởi nghiệp sôi động, hỗ trợ phát triển tri thức hàng hải tốt nhất và thu hút tài năng mới vào lĩnh vực này.

Dù yêu thích họ hay không, các tổ chức PE luôn ở đây với tư cách là các bên liên quan hàng hải quan trọng. Đối với các doanh nghiệp mà họ đầu tư vào, đó cũng là “sự sống còn của những người phù hợp nhất” trong số các nhà sản xuất kinh doanh hàng hải. Lợi nhuận bền vững sẽ chỉ đến với các tổ chức có năng lực và cam kết nhất với tầm nhìn dài hạn về các cơ hội và thách thức hàng hải.

NỀN Logistix | Trung Tuân / Theo Splash247

* Hàng hải 2050 (Maritime 2050) là tên chiến lược do Bộ Giao thông Vương quốc Anh công bố. Chiến lược này đề ra tầm nhìn và tham vọng của chính phủ đối với tương lai của ngành hàng hải Anh.

** Khái niệm ‘da thịt trong cuộc chơi’ (skin in the game), theo Thuỷ Tiên | BCat – Bookademy, là một cụm thành ngữ chưa được xác định rõ nguồn gốc, nhưng nó được Warren Buffett phổ biến khi ông dùng nó để nói về việc ông đầu tư tiền túi vào quỹ đầu tư so ông sáng lập. Có da thịt trong cuộc chơi tức là chia sẻ rủi ro và quyền lợi trong một hoạt động/mục tiêu nào đó. Thành ngữ này được sử dụng phổ biến trong kinh doanh, chơi bạc, hoặc chính trị. ‘Da thịt trong cuộc chơi’ cũng là tên một cuốn sách của Nassim Nicholas Taleb, một tác giả nổi tiếng với một ý tưởng, một biến cố mà ông đã đặt tên cho nó là The Black Swan (Thiên Nga Đen), sách đã được dịch sang tiếng Việt.