Các chuyên gia phân tích tại ngân hàng HSBC nhận định rằng ngành vận tải container đường biển đã chạm đáy tăng trưởng. Báo cáo thị trường cước vận tải mới nhất từ ngân hàng này cho thấy rằng ngành vận tải container đường biển, vốn đã bắt đầu suy thoái từ mùa hè năm ngoái, đang phát triển trở lại.
Chỉ số cước xuất khẩu container Thượng Hải (SCFI) ngày 7/4 đã tăng 3,6% so với thứ 6 tuần trước đó, đây là mức tăng mạnh nhất theo tuần kể từ thời điểm tháng 5/2022. Trong khi đó, Chỉ số cước xuất khẩu Container Trung Quốc (CCFI) giảm 0,6% so với tuần trước, giảm nhẹ hơn so với mức giảm 1,9% ở tuần trước đó.
Báo cáo của HSBC nhận định rằng giá cước vận chuyển hiện tại đã chạm đáy và có thể sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.
Ghi nhận tình hình gián đoạn lao động tại các cảng ở Bờ Tây Hoa Kỳ, HSBC cho rằng điều này có thể sẽ khuyến khích các chủ hàng ký kết hợp đồng vận chuyển ở mức cao hơn cước giao ngay và ‘chắc suất’ có chỗ trên tàu nhằm đảm bảo mức độ tin cậy của dịch vụ vận chuyển trong giai đoạn cầu vận chuyển có khả năng sẽ phục hồi.
Liên Đoàn Bán Lẻ Quốc Gia Mỹ thì dự báo lượng container nhập khẩu trong quý 2 năm nay sẽ tăng, có thể tăng tới 7% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm đại dịch COVID-19 chưa bắt đầu.
Những nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư Jefferies cũng lạc quan hơn về triển vọng ngành vận tải container. Trong một báo cáo công bố giữa tháng 4 vừa rồi, Jefferies đã thảo luận về sự kết hợp của nhiều yếu tố đang thúc đẩy sự hồi phục của ngành vận tải container, bao gồm nguy cơ gián đoạn do đình công của công nhân bốc xếp tại Cảng Los Angeles và Long Beach, cùng với việc các hãng tàu lớn đang cố gắng tăng Phụ phí tăng giá chung trên tuyến Thái Bình Dương (general rate increases, GRI) lên khoảng 500 đến 600 USD/FEU, cùng với sự ổn định chung của mức cước giao ngay trong thời gian gần đây.
“Vẫn còn chưa rõ là tình trạng đình công sẽ kéo dài như thế nào và nỗ lực tăng phụ phí GRI có được duy trì hay không, tuy nhiên hiện tại có vẻ như thị trường đã chạm đáy và các hãng có cơ hội để tăng thu nhập trong tương lai gần”, nhóm phân tích tại Jefferies cho biết.
Báo cáo hàng tuần mới nhất từ đơn vị tư vấn Linerlytica cũng cùng quan điểm: “Tâm lý thị trường tiếp tục trở nên tích cực,” và lưu ý thêm rằng khai thác năng lực trên tuyến bờ Tây Hoa Kỳ đã tăng trong hai tuần qua, trong khi nguồn cung vẫn bị hạn chế bởi các các hãng tàu vẫn đang huỷ chuyến, điều này sẽ hỗ trợ cho việc đẩy phụ phí GRI lên, điều sẽ đánh dấu lần đầu tiên cước vận tải hồi phục kể từ tháng 7/2022.
Linerlytica cho biết: “Mức giá thuê tàu đã tiếp tục tăng, kèm theo đó là các hãng tàu sẵn sàng cam kết thuê tàu với với các hợp đồng thuê dài hạn từ 12 tháng trở lên, những dấu hiệu cho thấy thị trường đã được cải thiện.”
Giá thuê tàu tăng đáng kể và tăng trên tất cả các cỡ tàu được phản ánh trong chỉ số thuê tàu Alphaliner, chỉ số này đã tăng lần đầu tiên kể từ thời điểm tháng 6/2022, mức tăng nhẹ nhưng là rất đáng chú ý.
Vào cuối tháng 3, VesselsValue cho biết giá trị tàu container đã chạm đáy và đang bắt đầu ổn định dần. Điều này cũng cho thấy thị trường đang có dấu hiệu phục hồi sau một thời gian giá tàu suy giảm.
Sau một quý đầy khó khăn của năm 2023, các nhà quản lý của các hãng tàu sẽ thở phào nhẹ nhõm vì tình trạng u ám có vẻ được cải thiện.
Trong thực tế, đầu tháng này, một nguồn tin đáng tin cậy về dự báo tài chính cho ngành vận tải container đường biển đã đưa ra dự đoán về triển vọng của ngành trong năm 2023, cho rằng năm nay có thể sẽ là năm có kết quả kinh doanh tốt thứ ba trong lịch sử của ngành.
Theo dự báo của John McCown, người điều hành Blue Alpha Capital, ngành vận tải container đường biển sẽ có lợi nhuận ròng trong năm 2023 đạt 43,2 tỷ USD trên mức tổng doanh thu là 327 tỷ USD. Mặc dù con số này đã giảm 80% so với lợi nhuận kỷ lục của năm ngoái, nhưng nó vẫn đánh dấu một năm đáng kinh ngạc khác, và điều này cũng giải thích cho việc các hãng tàu tiếp tục tăng năng lực vận tải trong ba tháng đầu năm 2023.
NỀN Logistix | Kim Hải / Theo Splash247