Tháng 5/2017, tại buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương bổ sung cảng biển Trần Đề vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam (Loại IA).
Năm 2018, tỉnh này đã tiếp nhận đề xuất Dự án đầu tư cảng biển nước sâu Mekong (cảng Trần Đề) có tổng mức đầu tư lên tới 6 tỷ USD (tương đương 136.500 tỷ đồng) của tập đoàn International Local Development Consortium (ILDC) – Pháp.
Theo TheLeader, ILDC có trụ sở chính ở Pháp nhưng trên thực tế đăng ký địa chỉ tại Hong Kong (Trung Quốc), có văn phòng tại Tây Ban Nha và Pháp, là tập đoàn đa quốc gia đầu tư đa ngành hoạt động trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 35 công ty trực thuộc.
ILDC đề nghị xây dựng Khu phức hợp gồm cụm cảng biển Trần Đề (quy mô đón được tàu 200.000 DWT), khu dịch vụ cảng và đô thị; khu công nghiệp gắn liền với cảng trên diện tích 6.000 ha.
Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong danh mục ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công cộng và cảng biển trọng điểm đến năm 2030, khu bến cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) xuất hiện với mức vốn 32.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025) từ nguồn doanh nghiệp.
Theo đề xuất của ILDC, dự án khu phức hợp cảng biển nước sâu tại cửa biển Trần Đề tỉnh Sóc Trăng đầu tư theo hình thức PPP.
Các hạng mục đầu tư gồm: Cụm cảng biển nước sâu Mekong ILDC – 4.000ha (quy mô 200.000DWT), khu kho bãi trên bờ 500ha và khu công nghiệp 1.500ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến 136.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 6 tỷ USD).
Theo tính toán của nhà đầu tư, doanh thu của dự án đến từ các dịch vụ cảng biển, kho bãi, khu công nghiệp… Đây cũng chính là cơ sở để thu hồi khoản đầu tư dự án. Dự kiến đầu tư phân kỳ thành 15 giai đoạn, vốn đầu tư mỗi giai đoạn ước khoảng 9.100 tỷ đồng.
Theo đề xuất, ILDC sẽ góp khoảng 122.850 tỷ đồng (tương đương 90% tổng vốn đầu tư), nhà nước góp vốn vào dự án theo từng giai đoạn bằng giá trị đất sạch bàn giao cho nhà đầu tư (tương đương 10% tổng vốn dự án).
Đáng chú ý, thời hạn đầu tư của dự án được đề xuất là 70 năm và tự động gia hạn. Để khẳng định quyết tâm thực hiện dự án, nhà đầu tư đồng ý sẽ lập nghiên cứu tiền khả khi và nghiên cứu khả thi của dự án cho tỉnh Sóc Trăng.
Nghiên cứu được triển khai ngay khi nhà đầu tư nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư từ cấp có thẩm quyền và ký kết hợp đồng nguyên tắc PPP.
Theo giới thiệu trên website công ty, International Local Development Consortium (ILDC) là nhà phát triển và xây dựng các dự án sinh thái, đô thị, công nghiệp. Hoạt động chính của công ty là phát triển các dự án phục vụ điều kiện dân sinh và sử dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, xử lý nước và môi trường.
Dự án “siêu cảng” 6 tỷ USD Trần Đề được cho là cần thiết để giải quyết tình trạng quá tải tại các cảng hiện hữu ven sông Hậu. Bên cạnh đó, việc hình thành một cảng nước sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo ra một con đường tắt để vận chuyển các sản phẩm sản xuất trong vùng tới các điểm đến trong nước và quốc tế.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòa (Viện Kinh tế Việt Nam), việc vận chuyển một tấn hàng từ Tây Nam Bộ bằng đường thủy về các cảng Thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu có chi phí rẻ hơn từ 10 – 60% so với vận tải bằng đường bộ.
Theo Cổng TTĐT Bộ Giao thông vận tải, tại khu vực phía Nam, luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu hiện không có vị trí trên bờ, các vị trí trên bờ trước đây hiện đã hết trữ lượng.
Với 72km bờ biển cùng hệ thống sông, rạch dài hơn 3.000 km và các cửa sông lớn ra vào Biển Ðông, tỉnh Sóc Trăng được đánh giá có nhiều tiềm năng về cảng biển, vận tải biển và vận tải thủy nội địa, cũng như giao thông đường thủy rất lớn.