Giới chuyên gia chia rẽ về khả năng xảy ra cuộc chiến giá cước vận tải

0
239
Có hay không một cuộc chiến giá cước giữa các hãng tàu?

Theo một nhà phân tích uy tín trong ngành vận tải container đường biển, thì các hãng tàu container đang bắt đầu lao vào một cuộc chiến cước vận tải, trong khi nhiều chuyên gia khác trao đổi với Splash thì vẫn khá thận trọng để khẳng định rằng sự sụt giảm nhu cầu vận chuyển hiện nay có đang là một cuộc chiến giữa các hãng với mục tiêu hạ giá xuống thấp nhất hay không.

Ông Hua Joo Tan, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Linerlytica, cho rằng cuộc chiến giá cước đang dần trở nên “rõ như ban ngày”.

“Các hãng tàu đang đảo ngược những gì họ làm tốt trong tháng 4. Việc hủy chuyến (bank sailing) đang ngày càng ít đi, tốc độ chạy tàu đang tăng lên và giá thuê tàu (charter rate) thì đang tăng trở lại”, ông Tan chia sẻ với Splash, và nhấn mạnh một số mức cước “hơi lạ một chút” đã được chào ra từ Maersk, hãng tàu lớn thứ hai trên thế giới, và không chỉ có mỗi hãng tàu có trụ sở tại Đan Mạch này đang là hãng duy nhất có động thái thúc đẩy cuộc chiến giá cước.

Giá thuê tàu container đã tăng trở lại trong một vài tuần vừa qua, đặc biệt là với các tàu trên 4.200 TEU.

Ông Tan nhấn mạnh rằng chỉ cần thêm một vài hãng nữa là cuộc chiến sẽ chính thức bắt đầu.

Trong khi đó, ông Alan Murphy, Giám đốc điều hành của hãng tư vấn về vận chuyển container Sea-Intelligence, cho biết bối cảnh thị trường hiện tại đang khá “chín muồi” để một cuộc chiến về giá cước nổ ra.

“Với nguồn lực vận chuyển đang dư thừa đáng kể, việc các hãng tàu tăng thêm năng lực vận chuyển trong năm nay và năm sau, và trong hoàn cảnh cầu vận chuyển yếu, thì thị trường đang trở nên thuận lợi để các hãng tàu lao vào cuộc chiến giá cước, đặc biệt là khi các hãng đã tích luỹ khoản tiền dự trữ khá dồi dào trong vài năm qua,” ông Murphy chia sẻ với Splash.

Vị chuyên gia từ Sea-Intelligence cho rằng cũng có thể sự quay đầu nhanh chưa từng thấy của giá cước giao ngay đã tạo thành một cuộc chiến giá cước, đặc biệt khi các hãng tàu có vẻ đã “vượt quá” đáy tự nhiên của thị trường.

Ông Murphy cho rằng có ba kịch bản để ngành vận tải container đường biển tránh được cuộc chiến giá cước đang hiển hiện. Đầu tiên là một sự tăng trưởng đột ngột và hoàn toàn không thể dự đoán về cầu dịch vụ vận chuyển, với quy mô gần như bằng tăng trưởng nhu cầu do đại dịch gây ra. Thứ hai là các hãng tàu sẽ cho một lượng lớn tàu nằm không và một lượng lớn khác sẽ được cho đi phá dỡ, và cuối cùng là các hãng sẽ phải học cách không chấp nhận vận chuyển những lô hàng có thể gây thua lỗ. Ông cho rằng không có cơ sở nào để một trong ba kịch bản này có thể xảy ra lúc này, và pha trò: “Chỉ có một điều đáng sợ hơn việc các hãng tàu rơi vào cảnh tay trắng, đó là việc họ đột nhiên lại rủng rỉnh tiền.”

Ông Peter Sand, phân tích trưởng của Xeneta – một hãng tư vấn và phân tích thị trường, lại cho rằng cuộc chiến giá cước đã kết thúc, với giai đoạn cao điểm đã diễn ra vào năm 2022.

“Những gì chúng ta thấy vào thời điểm này (tháng 5/2023) là thị trường cước giao ngay đang gây thiệt hại cho tất cả các hãng tàu,” ông Sand cho biết, và khẳng định rằng thị trường đang tiếp tục suy yếu từng ngày.

Còn ông Jan Tiedemann, nhà phân tích của hãng tư vấn Alphaliner, cho rằng sau khi các hãng tàu đã tỏ ra kiềm chế tăng sức chở trong quý 1 năm nay, thì một loạt tàu container lớn đang được các xưởng đóng tàu bàn giao cho các hãng, và điều này sẽ tạo áp lực lên giá cước.

Ngược lại với quan điểm của ông Hua Joo Tan, ông Simon Heaney, quản lý cao cấp tại hãng tư vấn Drewry, thì bác bỏ khả năng xảy ra một cuộc chiến giá cước.

“Nếu nhìn vào biến động giá cước vận chuyển container trong ba năm vừa qua, thì chúng ta đang ở trong giai đoạn bình ổn giá cước vận tải, chứ không đương đầu với một cuộc chiến cước vận tải”, ông Heaney chia sẻ với Splash.

Chỉ số Freightos Baltic (FBX) cho thấy biến động mức cước vận tải trong giai đoạn 3 năm qua. Nguồn: VisualCapitalist

Ông giải thích, rằng sau khi trải qua giai đoạn có giá cước vận chuyển cao nhất và mang lại nhiều lợi nhuận nhất trong hai năm qua, các hãng tàu đã chấp nhận giảm giá cước trong 6 tháng vừa rồi, từ 20-80% tùy thuộc vào tuyến vận tải với mức cước giao ngay, và từ 50-80% trên cước hợp đồng có thời hạn một năm.

“Các hãng tàu đã không kiểm soát tốt cung vận tải container trong giai đoạn 6 tháng vừa qua, nhưng giá cước hiện nay thì vẫn ở mức bằng hoặc gần mức trước đại dịch, và đó là mức được xem là bình thường”, nhà phân tích lâu năm của Drewry nhận định.

Cũng khá hoài nghi về khả năng xảy ra cuộc chiến giá cước là ông Lars Jensen, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Vespucci Maritime, tác giả cuốn Vận tải container đường biển đến năm 2025.

Ông nhận định “Nói thị trường đang rơi vào một cuộc chiến giá cước ở thời điểm này có thể là không chính xác. Nhìn từ góc độ tổng thể, có vẻ như là chúng ta đã đạt đến đáy thị trường – ở một số tuyến vận tải, tình hình có thể tệ hơn so với một số các tuyến khác, và thị trường cước vận tải đang đứng yên để chờ xem liệu có thể có sự tăng trưởng nhu cầu sắp tới hay không, khi thị trường sắp đi vào giai đoạn cao điểm.”

Nền Logistix | Kim Hải & Khánh Như / Theo Splash247 và Alphaliner