Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Chuyển đổi số, phát triển xanh là trọng tâm của logistics Việt Nam

Trong chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035 sẽ có 80% doanh nghiệp logistics sử dụng các giải pháp chuyển đổi số; 30% số phương tiện của doanh nghiệp logistics chuyển sang sử dụng năng lượng xanh; 70% người lao động trong ngành logistics được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật.

0
79
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu. Ảnh: Phạm Tùng/Người đưa tin.

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu của nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như từng địa phương. Để phát triển lĩnh vực quan trọng này, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách và kết cấu hạ tầng. Nhờ đó, năng lực và thứ hạng của ngành logistics Việt Nam được cải thiện và có xu hướng mở rộng.

Tuy nhiên, chi phí dịch vụ logistics còn khá cao, cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa tương xứng và cùng với đó là trình độ nguồn lực logistics và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế.

Nhadautu.vn đã cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về ngành dịch vụ này.

Việt Nam đứng thứ 43 thế giới về hiệu quả logistics

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của ngành logistics Việt Nam?

Ông Trần Thanh Hải: Logistics là ngành dịch vụ hỗ trợ cho toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Đây là một ngành dịch vụ tổng hợp nên bao gồm rất nhiều ngành.

Logistics có thể chia thành 3 mảng chính là kho bãi, vận tải và giao nhận. Cụ thể có các hoạt động khác nhau như: dịch vụ vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt, đường hàng hàng không; dịch vụ cho thuê kho bãi và lưu trữ hàng hóa; dịch vụ bốc xếp và dỡ hàng hóa từ phương tiện vận tải; dịch vụ đại lý thủ tục hải quan; dịch vụ chuyển phát… 

Các dịch vụ liên quan bao gồm các dịch vụ bổ trợ như tiếp nhận, lưu kho hàng hóa, quản lý thông tin liên quan đến quá trình vận chuyển và lưu kho, xử lý các vấn đề phát sinh như hàng bị lỗi, hàng hỏng, hàng quá hạn sử dụng, hàng bị khách trả lại, hàng tồn kho; dịch vụ giám định, kiểm tra và phân tích kỹ thuật, dịch vụ bảo hiểm…

Về lợi thế, trước hết, Việt Nam có vị trí địa chính trị thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương. Thực tế, khi chúng ta mở cửa, thu hút đầu tư thì Việt Nam đã vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất hàng hóa lớn trên thế giới, tạo ra nguồn hàng lớn cho đầu vào của ngành logistics.

Việt Nam cũng nằm ở vị trí mà lưu lượng hàng hóa đi qua rất lớn, đặc biệt là tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông, cửa ngõ trên con đường giao lưu khu vực Á – Âu cũng như cửa ngõ cho con đường đi vào lục địa Đông Nam Á và Tây Nam Trung Quốc. Đó là điều kiện để phát triển các dịch vụ liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, nguồn nhân lực của chúng ta khá dồi dào. Mặc dù trình độ chưa đáp ứng được ngay nhưng đây là nguồn nhân lực trẻ và sẵn sàng nắm bắt nhanh các công nghệ mới.

Đặc biệt, trong những năm qua, một lợi thế rất quan trọng cho ngành là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện qua việc ban hành Kế hoạch hành động để nâng cao năng lực cạnh tranh cho dịch vụ logistics, đưa dịch vụ logistics vào Nghị quyết Đại hội Đảng thứ XIII, cũng như quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, ban hành Nghị quyết, Nghị định liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ logistics.

Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200 của Thủ tướng Chính phủ và sửa đổi đã có những kết quả gì thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 200 ngày 14/2/2017 của Thủ tướng về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 và Quyết định số 221 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200; xây dựng chính sách, kết nối doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu…

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng ban hành Quyết định số 120 về việc phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics quốc gia của Bộ Công Thương giai đoạn 2023-2026, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển nhanh ngành logistics, hỗ trợ doanh nghiệp. Việc thực hiện Quyết định 200 của Thủ tướng đã giúp ngành logistics Việt Nam được một số kết quả đáng chú ý.

Cụ thể, đến năm 2023 chỉ số hiệu quả logistics (LPI) đạt 3,3 điểm. Việt Nam đứng thứ 43 thế giới trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI) và thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN về lĩnh vực này với tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao, đạt từ 14-16%/năm với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.

Hạ tầng logistics Việt Nam ngày càng được cải thiện, với sự quan tâm đầu tư phát triển của Chính phủ. Ảnh: VietA

Đồng bộ hạ tầng logistics, đào tạo nguồn nhân lực cao

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những hạn chế lớn nhất đối với logistics là hạ tầng và nguồn nhân lực. Ông nhận định sao về vấn đề này và cần giải pháp gì để thay đổi?

Ông Trần Thanh Hải: Hạ tầng logistics gồm 3 nhóm chính: Hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng trung tâm logistics và hạ tầng công nghệ. Hạ tầng giao thông vận tải gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không cùng với hệ thống công trình như đường sá, nhà ga, sân bay và các cảng biển.

Hạ tầng trung tâm logistics kết nối bao gồm các trung tâm logistics, cảng cạn/ICD. Hạ tầng công nghệ gồm hệ thống phần mềm và thiết bị điện tử phục vụ cho việc quản lý quy trình, quản lý vận chuyển, lưu kho và kiểm kê.

Trong thời gian qua, hạ tầng logistics Việt Nam ngày càng được cải thiện, với sự quan tâm đầu tư phát triển của Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện.

Từ năm 2022 đến nay, hệ thống hạ tầng logistics nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng đã được đầu tư phát triển nhanh, phát huy hiệu quả cao; nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác.

Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo thống kê, hiện cả nước có tổng chiều dài đường bộ khoảng 595.201 km, trong đó đường bộ quốc gia (quốc lộ, cao tốc) là 25.560 km (tăng 7,3% so với năm 2017). Song song với chất lượng hạ tầng được cải thiện, chất lượng vận tải đường bộ được nâng cao, giảm đáng kể thời gian đi lại.

Mạng lưới đường cao tốc đã đưa vào khai thác khoảng 23 đoạn tuyến, tương đương với 1.239 km; đang triển khai xây dựng khoảng 14 tuyến, đoạn tuyến, tương đương với 840 km.

Các tuyến đường cao tốc được đầu tư xây dựng trên các trục giao thông xương sống của khu vực, kết nối liên vùng có sức lan tỏa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của từng vùng miền và cả nước tạo điều kiện cho kết nối nguồn hàng giữa các địa phương và vận tải đa phương thức phát triển.

Trong lĩnh vực đường sắt đã có nhiều nỗ lực, duy trì tình trạng kết cấu hạ tầng để nâng cao an toàn và rút ngắn thời gian chạy tàu. Mật độ đường sắt đạt khoảng 9,5 km/1.000 km2 (là mức trung bình của khối ASEAN và thế giới).

Đới với đường thủy nội địa, năng lực kết cấu hạ tầng đã được nâng cao nhờ việc tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo một số tuyến tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời, với việc đưa vào sử dụng một số công trình cửa sông, kênh, cảng sâu tàu lớn, hiện đại và một số cảng đầu mối container kết hợp cảng cạn ở phía Nam và phía Bắc.

Về hệ thống cảng biển Việt Nam, hiện có 286 bến cảng, phân bố theo 5 nhóm cảng biển, tổng chiều dài cầu cảng hơn 96 km. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2022 đạt trên 733 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021.

Việt Nam đã thiết lập được 32 tuyến, trong đó 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa, trong đó ngoài các tuyến nội Á, khu vực phía Bắc đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ; phía Nam đã hình thành được 16 tuyến tàu xe đi Bắc Mỹ và châu  Âu vượt trội hơn các nước khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore).

Hầu hết các cảng gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước, đã hình thành các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hoá và tạo động lực phát triển toàn vùng.

Về đường hàng không, hiện cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác với tổng diện tích khoảng 11.859 ha; trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không quốc nội. Trong đó 7 cảng hàng không ở miền Bắc. 7 cảng hàng không ở miền Trung và 8 cảng hàng không ở miền Nam.

Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến cho chi phí logistics của Việt Nam cao là do vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng lớn tới 60%. Theo các tính toán, vận tải đường bộ phát huy lợi thế trong vòng 300 km trở lại. Còn khoảng cách dài hơn sẽ không còn tối ưu nữa, lúc đấy phải sử dụng các phương tiện như đường sắt, đường thủy.

Nhưng hiện nay, phần lớn hàng hóa vận chuyển Bắc – Nam vẫn còn vận chuyển bằng đường bộ, trong khi hệ thống đường sắt có lợi thế trải dài nhưng năng lực vận chuyển lại không khai thác được.

Về nguồn nhân lực, 6-7 năm trở lại đây được xem là giai đoạn bùng nổ trong đào tạo nhân lực logistics bậc đại học với số trường mở ngành, chuyên ngành logistics tăng vọt. Tính đến hết tháng 7/2023, số trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành, chuyên ngành logistics đã tăng lên 59 trường đại học với tổng quy mô tuyển sinh là khoảng 5.600 chỉ tiêu/năm.

Trong trường đại học đã tuyển sinh ngành/chuyên ngành liên quan đến logistics, 40 cơ sở đào tạo để tìm hiểu về thực trạng đào tạo ngành/chuyên ngành logistics tại Việt Nam hiện nay. Đối với các trường đã có sinh viên tốt nghiệp (tuyển sinh từ năm 2019 trở về trước) cho biết, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hàng năm của các trường là khoảng 85,6%. 

Như vậy, tương ứng thị trường lao động ngành logistics 2023 sẽ đón nhận khoảng 2.500 – 3.000 lao động được đào tạo đúng ngành/chuyên ngành logistics. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu hiện nay và trong tương lai, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao.

Nhìn chung, một số nhóm việc phải làm ngay khi Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045, bao gồm từ hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện hạ tầng cho đến nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ, đào tạo nhân lực.

Ông Hải cho rằng, doanh nghiệp logistics nội cần chủ động, nắm bắt thời cơ để đầu tư cho thị trường logistics đầy tiềm năng hiện nay. Ảnh: Phạm Tùng/Người đưa tin.

Tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 15-20%

Như ông đề cập ở trên, dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045 đã được Bộ Công Thương xây dựng và lấy ý kiến như thế nào?

Ông Trần Thanh Hải: Bộ Công Thương đang lấy ý kiến và tổng hợp, chỉnh lý dự thảo, báo cáo Thủ tướng.

Dự thảo mới nhất đưa ra một số mục tiêu phát triển đột phá cho ngành logistics: Đến năm 2035, đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%; tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ logistics hằng năm đạt 15-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 70- 80% (thay vì 60-70% như dự thảo trước); chi phí logistics giảm xuống tương đương 12-15% GDP (thay vì 16-18%); xếp hạng theo chỉ số LPI (do Ngân hàng Thế giới công bố) trên thế giới đạt thứ 35 trở lên.

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung một số chỉ tiêu đến năm 2035. Cụ thể, 80% doanh nghiệp logistics sử dụng các giải pháp chuyển đổi số; 30% số phương tiện của doanh nghiệp logistics chuyển sang sử dụng năng lượng xanh; 70% người lao động trong ngành logistics được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 30% có trình độ đại học trở lên.

Giai đoạn đến năm 2045, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 12-15%; tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ logistics hằng năm đạt 10-12%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 80-90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-12% GDP; 100% phương tiện vận tải của doanh nghiệp logistics chuyển sang sử dụng năng lượng xanh…

Dự thảo cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan để thực hiện chiến lược.

Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam?

Ông Trần Thanh Hải: Cộng đồng doanh nghiệp logistics hiện nay có khoảng 34.000 đơn vị, nhưng ở một số khâu một số chỗ hoạt động chưa đạt hiệu quả tối ưu. Để xử lý một công việc, chúng ta mất nhiều thời gian. Ví dụ trong giao nhận bưu chính, tốc độ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Khi mà khối lượng hàng hóa ngày càng tăng, nếu chúng ta không có đủ phương tiện để xử lý chia chọn, giao hàng đến kịp thời cho người nhận thì chi phí lại bị đẩy tăng lên, dồn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất.

Tôi cho rằng nếu doanh nghiệp logistics vẫn bằng lòng với hoạt động trong phạm vi Việt Nam thì năng lực cạnh tranh của họ sẽ yếu do không được cọ xát với đối thủ bên ngoài và cũng không tiệm cận thông lệ kinh doanh quốc tế. Rất cần doanh nghiệp có tư tưởng tiên phong đi ra thị trường quốc tế. Doanh nghiệp cần chủ động, nắm bắt thời cơ để đầu tư cho thị trường logistics đầy tiềm năng hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Nhadautu.vn