Đôi nét về khu thương mại tự do

(Free Trade Zone - FTZ) không hề xa lạ đối với các nước. Nhiều nước ở ngay quanh Việt Nam cũng đã có các khu này, như Batam, Bintang của Indonesia, Clark, Subic của Philippines, Port Klang, Tanjung Pelepas ở Malaysia.

0
2314
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Trần Thanh Hải

1 Trước hết, thế nào là “thương mại tự do”.

Trong thương mại quốc tế, hàng hóa luân chuyển giữa các nước thường vấp phải 2 hàng rào “khó chịu” nhất – đó là thuế quan (thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu) và biện pháp quản lý thương mại (biện pháp phi thuế quan) như giấy phép, hạn ngạch, kiểm tra chuyên ngành, tiêu chuẩn kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, …

Thương mại tự do là hoạt động thương mại mà các loại hàng rào kể trên được xóa bỏ, hoặc giảm tối đa. Làm sao để hàng hóa luân chuyển giữa các nước được thuận lợi nhất, giống như luân chuyển ở ngay trong một nước.

2 Tiếp theo, chúng ta đừng nhầm lẫn giữa khu thương mại tự do (Free Trade Zone – FTZ) với khu vực thương mại tự do (Free Trade Area – FTA).

Về mặt địa lý, FTA rộng hơn nhiều, và dùng để chỉ một nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ (gọi chung là các nước) cùng nhau thỏa thuận cắt giảm thuế quan và các hàng rào thương mại cho hàng hóa lưu thông giữa các nước, tức là tiến đến “thương mại tự do”. Văn bản thỏa thuận để thiết lập nên khu vực như vậy gọi là hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement – cũng viết tắt là FTA). ASEAN là một khu vực thương mại tự do điển hình. Ngoài ASEAN, trong những năm qua Việt Nam cũng đã đàm phán để thành lập khu vực thương mại tự do với nhiều đối tác khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile, EAEU, EU, Anh, v.v…

Còn FTZ chỉ thuộc phạm vi một quốc gia cụ thể. Về mặt diện tích, nó có thể rộng vài trăm hecta cho đến vài trăm, vài nghìn km2. Việc thành lập FTZ không phụ thuộc vào các quốc gia khác, mà chỉ là ý chí và hành động của chính quyền của chính quốc gia đó mà thôi.

Việc đàm phán với các nước để thành lập một FTA là khá gian nan, nhưng có khi lại không lâu bằng việc “đàm phán” trong nội bộ một nước để thành lập được FTZ.

(Hình minh hoạ tại một cảng biển)

3 Vậy FTZ là gì?

Khu thương mại tự do là khu vực địa lý nằm trên một quốc gia hay vùng lãnh thổ, nhưng không áp dụng thuế xuất nhập khẩu và các biện pháp quản lý thương mại.

Trong khu này, hàng hóa của nước ngoài có thể đem đến, xử lý, chế biến, chia tách, đóng gói, gia công, chế biến mà không chịu thuế xuất nhập khẩu. Sau đó, hàng hóa này có thể nhập khẩu vào nước sở tại, hoặc cũng có thể xuất khẩu đi các nước khác mà không cần đưa vào nước sở tại.

Các khu thương mại tự do thường được thiết lập ở gần các cảng biển chính, sân bay quốc tế và cửa khẩu đường bộ – những vùng có nhiều lợi thế về thương mại. Nếu một khu thương mại tự do gắn liền với một cảng thì cảng đó còn được gọi là cảng tự do (free port). EU có 82 khu thương mại tự do hoặc cảng tự do.

Về lý thuyết, khu thương mại tự do có thể đặt ở bất kỳ đâu, nhưng FTZ chỉ có thể phát huy giá trị của mình khi có hàng hóa lưu chuyển, càng nhiều càng tốt. Mà với một quốc gia, nơi hàng hóa ra vào nhiều nhất chính là cảng biển. Sân bay quốc tế thì lượng hàng ít hơn và cũng kém đa dạng hơn. Cửa khẩu đường bộ xét về lượng hàng hóa cũng không thể so sánh được với cảng biển, nên chỉ những cửa khẩu thật lớn, và nước láng giềng có nhu cầu đa dạng về sản xuất, lắp ráp thì mới có thể có FTZ, còn không thì chỉ kho ngoại quan là đủ.

Nếu cần tìm một mô hình gần giống với FTZ nhất, thì đó chính là khu chế xuất. Nói cách khác, khu thương mại tự do có thể coi như một khu chế xuất cỡ lớn, là nhiều khu chế xuất cộng lại. Nhưng FTZ không chỉ có hoạt động sản xuất mà còn có cả dịch vụ và các loại hình kinh doanh khác. Đương nhiên, trong các loại hình dịch vụ ở FTZ thì dịch vụ logistics là phổ biến hơn cả.

Khu thương mại tự do Colon ở Panama là một ví dụ điển hình. Trong khu này có hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động, bao gồm từ các nhà máy, kho bãi cho đến ngân hàng, công ty tư vấn, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ sửa chữa…

FTZ không hề xa lạ đối với các nước. Nhiều nước ở ngay quanh Việt Nam cũng đã có các khu này, như Batam, Bintang của Indonesia, Clark, Subic của Philippines, Port Klang, Tanjung Pelepas ở Malaysia.

Singapore ban hành luật về khu thương mại tự do ngay từ năm 1966, một năm sau khi tách ra độc lập từ Malaysia. Sau đó, đến năm 1969 có FTZ đầu tiên. Hiện nay, Singapore có 9 FTZ, trải dài từ sân bay Changi đến các bến cảng ở bờ biển phía nam nước này.

Trung Quốc hiện có 21 FTZ đặt ở Liêu Ninh, Thiểm Tây, Hà Nam, Hồ Bắc, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Triết Giang, Hồ Nam, Vân Nam, Quảng Tây, Hắc Long Giang, Bắc Kinh, Hà Bắc, Thiên Tân, Sơn Đông, Giang Tô, Thượng Hải, An Huy, Phúc Kiến, Quảng Đông và Hải Nam.

Jebel Ali là một mô hình FTZ thành công của Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE). Khu thương mại tự do rộng 57 km2 này có 8.600 doanh nghiệp từ 140 nước đến đặt trụ sở hoạt động tại đây. Trong số này có hơn 100 doanh nghiệp thuộc danh sách Fortune 500. Trong số 350 công ty logistics hoạt động ở Jebel Ali, có đến 14 công ty thuộc nhóm 20 doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới. Giá trị hàng hóa luân chuyển qua FTZ này năm 2020 đạt tới 104 tỷ USD.

4 FTZ có giống kho ngoại quan?

Có bạn sẽ hỏi: Vậy thì khu thương mại tự do cũng giống như kho ngoại quan?

Có giống và có khác.

Giống nhau ở chỗ hàng hóa ra vào đều chịu sự kiểm soát của lực lượng hải quan. Hàng hóa khi ra khỏi FTZ hay kho ngoại quan và đưa vào nội địa thì mới được coi là nhập khẩu.

Khác nhau là FTZ thường là một khu vực khá rộng lớn, trong đó bao gồm nhiều doanh nghiệp hoạt động với các chức năng khác nhau. Trong khi đó, kho ngoại quan có diện tích hạn chế hơn và chỉ do một doanh nghiệp sở hữu, các hoạt động được tiến hành thường cũng chỉ khá đơn giản.

5 FTZ có phải là đặc khu kinh tế không?

Khu thương mại tự do tạo ra một ưu đãi là không phải tiến hành các thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, qua đó tạo thuận lợi cho thương mại.

Tuy nhiên, chỉ một ưu đãi đó thì chưa đủ để gọi là một đặc khu kinh tế. Khái niệm đặc khu kinh tế có thể bao hàm nhiều ưu đãi hơn, ví dụ như chế độ thành lập doanh nghiệp, chế độ thuế, cơ chế sử dụng đất và tài nguyên, ưu đãi vay vốn, ưu đãi về di trú, v.v…

Về mặt hành chính, đặc khu kinh tế có thể liên tưởng đến việc thành lập một đơn vị hành chính riêng, tách biệt với đơn vị hành chính hiện có (chúng ta từng có Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo là đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh, tồn tại từ năm 1979 đến năm 1991). Trong khi khu thương mại tự do thuần túy là vấn đề kinh tế, không liên quan gì đến hành chính. Ví dụ, một khu thương mại tự do có thể nằm trên địa bàn một vài phường xã, một vài quận huyện, nhưng mọi hoạt động trong khu vẫn phải chịu sự quản lý của chính quyền các phường xã, các quận huyện đó, giống như với một khu công nghiệp.

NỀN Logistix | Trần Thanh Hải (theo FB Nhân vật)